Định hướng cho sinh viên vận dụng kiến thức giải phẫu người để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong dạy học sinh học

0
11093

Việc hình thành các kỹ năng cơ bản trong học tập và sinh hoạt là yếu tố quyết định đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách sau này của học sinh. Rèn luyện kỹ năng sống sẽ giúp học sinh sớm có ý thức làm chủ bản thân, làm chủ năng lực của mình. Kỹ năng sống hình thành đức tính tự lập, giúp sống tích cực và hướng đến những điều lành mạnh cho chính mình cũng như xã hội. Kỹ năng sống tốt cũng thúc đẩy thay đổi cách nhìn nhận bản thân và thế giới, tạo dựng niềm tin, lòng tự trọng, thái độ tích cực và động lực cho bản thân. Trong bài viết này tác giả nêu ra một số định hướng cho sinh viên vận dụng kiến thức giải phẫu người để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong dạy học sinh học.

Học phần giải phẫu sinh lý người là môn học giúp các em nghiên cứu về cấu tạo, chức năng và sinh lý hoạt động của các cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể, đồng thời hiểu được sự thống nhất của các bộ phận trên cơ thể trong quá trình sinh trưởng và phát triển. Là học phần trang bị kiến thức cơ bản về giải phẫu và sinh lý người phục vụ công tác giảng dạy của các em sau này. Trong quá trình học các em nắm được cấu tạo và chức năng của các cơ quan chính trong cơ thể của mình và cũng có thể giải thích được những thắc mắc của bản thân, qua đó định hướng cho các em vận dụng kiến thức giải phẫu người để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh sau này.

Các nhóm kỹ năng có thể lồng ghép giáo dục cho học sinh trong quá trình dạy học kiến thức giải phẫu người gồm:

            – Kĩ năng sống tự phục vụ, chăm sóc bản thân liên quan đến thể chất sức khỏe.

            – Kĩ năng sống liên quan đến tự nhận thức, thực hành.

            – Kĩ năng điều chỉnh và quản lí cảm xúc, tinh thần.

          Để việc vận dụng kiến thức giải phẫu giáo dục kĩ năng sống cho HS đạt hiệu quả cao, tránh ảnh hưởng đến nội dung bài dạy thì đòi hỏi người dạy cần phải chuẩn bị đầy đủ và đúng các quy trình của một tiết dạy. Người dạy phải đưa ra các câu hỏi có phát huy tính tích cực phù hợp với mọi đối tượng, thực tế, gần gũi với các em thì mới giáo dục kĩ năng sống có kết quả cao. Một số ví dụ cụ thể như sau:

          Ví dụ 1: Kiến thức về “Cấu tạo và tính chất của xương”: Một số câu hỏi cần đặt ra để lồng ghép kĩ năng sống liên quan đến sức khỏe.

          – Thức ăn có liên quan gì đến sự phát triển của xương?

          – Vì sao trẻ em Việt Nam thường mắc bệnh còi xương?

          – Đi, ngồi không đúng tư thế gây ra hậu quả gì?

          Như vậy thông qua các câu hỏi trên sau khi học sinh trả lời, giáo viên điều chỉnh ta sẽ giáo dục cho học sinh một số kĩ năng như: ăn đủ chất đặc biệt thức ăn giàu canxi; ngồi học đúng tư thế, lao động, thể dục thể thao vừa sức, thường xuyên tắm nắng vào buổi sáng.

            Ví dụ 2: Kiến thức về “Cơ quan thị giác”:

            – Tại sao không đọc sách nơi thiếu ánh sáng hay đang đi tàu xe?

            – Nguyên nhân dẫn đến cận thị?

            – Để không bị cận thị em cần phải làm gì?

          Qua câu hỏi này giáo dục cho học sinh ngồi học đúng tư thế, đảm bảo khoảng cách khi đọc sách; không đam mê trò chơi điện tử, phải đọc sách nơi có ánh sáng; ….

          – Nêu các cách phòng tránh bệnh đau mắt hột mà em biết? Từ đó giáo dục cho các em không dụi tay bẩn vào mắt, không dùng chung khăn mặt, không tắm sông, thường xuyên rửa mặt bằng nước muối pha loãng, ….

          * Ví dụ 3:  Kiến thức về “Cơ sở khoa học của các biện pháp tránh thai

          – Nêu rõ những ảnh hưởng của có thai sớm ngoài ý muốn của tuổi vị thành niên? Phải làm gì để điều đó không xảy ra?

          – Những hậu quả có thể xảy ra khi phải xử lý đối với việc mang thai ngoài ý muốn ở tuổi vị thành niên là gì? Làm thế nào để tránh được ?

          Thông qua các câu hỏi trên giáo dục các em học sinh biết mình cần phải làm gì khi còn là học sinh. Giúp các em có kiến thức cơ sở để phòng tránh các hậu quả đáng tiếc xảy ra.

          Ví dụ 4:  Kiến thức về “Vệ sinh hệ thần kinh”:

             – Nêu tác hại của rượu, thuốc lá, ma túy?

          – Nêu những biểu hiện về cử chỉ và hành động của những người nghiện rượu, thuốc lá, ma túy?

          Thông qua đó giáo viên giáo dục học sinh sống có nhân cách.

          Ví dụ 5: Kiến thức về “HIV, AIDS, Đại dịch AIDS thảm họa của loài người”

          Ta có nên kỳ thị phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV, AIDS hay không? Vì sao?

          Sau khi học sinh trả lời, giáo viên điều chỉnh bổ sung và để tăng giáo dục, giáo viên cho học sinh đọc một lời tâm sự của nạn nhân AIDS.

 Qua đó giáo dục các em:

          – Thông cảm với người bị HIV, AIDS

          – Không phân biệt đối xử với họ.

          – Biết chia sẽ với nạn nhân AIDS.

Giáo dục kỹ năng sống là một mệnh đề khoa học sáng tạo không có giới hạn, do đó việc áp dụng phương pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thì không có phương pháp nào là tối ưu là hiệu quả tuyệt đối. Do vậy trong quá trình vận dụng đòi hỏi người giáo viên phải linh hoạt, sáng tạo trong từng tiết dạy, tùy nội dung bài mà giáo viên lồng ghép giáo dục kĩ năng sống sao cho phù hợp tình hình thực tế của trường, lớp học và đối tượng học sinh.

Tác giả: Phan Thị Hằng

BÌNH LUẬN