Đoàn trường CĐSP Điện Biên tham gia chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021

0
466

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2021 diễn ra từ ngày 01/5/2021. Chương trình tiếp tục tìm kiếm các công trình, sáng kiến thuộc 3 nhóm nội dung: Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; sáng chế công cụ phục vụ giảng dạy và học tập, nghiên cứu; công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Tham gia chương trình, Đoàn trường CĐSP Điện Biên vinh dự khi có 02 công trình tham gia và được đăng trên fanpage Tri thức trẻ vì giáo dục, đó là “Biện pháp nâng cao năng lực nhận thức xã hội cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên” của Thạc sĩ Đàm Thị Mai Thương và “Nghiên cứu thuật toán Logistic Regression ứng dụng trong bài toán phân loại đánh giá” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương Thúy.

Công trình Biện pháp nâng cao năng lực nhận thức xã hội cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên” tác giả đã nêu lên được vai trò, ý nghĩa của năng lực nhận thức xã hội, những đặc điểm tồn tại của sinh viên mầm non khi tham gia học tập, khả năng nhận thức năng lực nhận thức xã hội, nắm bắt được những gì người khác suy  nghĩ, thể hiện trong tình huống, khả năng đánh giá bản chất các mối quan hệ xã hội thông qua các biểu hiện bên ngoài, sắc thái cảm xúc, tình cảm, diễn đạt ngôn ngữ, động tác… ở đối tượng giao tiếp của sinh viên ngành giáo dục mầm non còn hạn chế, nhất là sinh viên năm thứ nhất. Sinh viên ngành giáo dục mầm non – những người đang học tập để trở thành giáo viên mầm non rất cần được bồi dưỡng về trí tuệ xã hội, mà trước hết là hình thành năng lực nhận thức xã hội. Bởi vì đối với giáo viên mầm non, để nắm bắt đặc điểm của trẻ, xử lý tốt các tình huống sư phạm, điều chỉnh và kiểm soát tốt hành vi, cảm xúc của bản thân và trẻ, nhanh chóng thích ứng với nghề nhằm làm cho quá trình tương tác giữa cô và trẻ trở nên hiệu quả hơn thì nhất định phải có năng lực nhận thức xã hội. Vì vậy, để đảm bảo cho sinh viên sư phạm thu nhận được những thông tin cơ bản, cần thiết trong các tương tác xã hội nói chung, tình huống sư phạm nói riêng, việc nghiên cứu các biện pháp tác động sẽ góp phần nâng cao nhận thức xã hội, từ đó rèn luyện và phát triển trí tuệ xã hội cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong dạy học và giáo dục.

Công trình đã thực hiện nghiên cứu thực trạng và đề xuất một số biện pháp nâng cao năng lực nhận thức xã hội cho sinh viên ngành Giáo dục Mầm non trường CĐSP Điện Biên, từ đó góp phần định hướng hoạt động, nâng cao hiệu quả rèn luyện nghề nghiệp cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với giáo viên Mầm non trong dạy học và giáo dục.

Với công trình “Nghiên cứu thuật toán Logistic Regression ứng dụng trong bài toán phân loại đánh giá” của giảng viên Nguyễn Thị Phương Thúy đã thực hiện nghiên cứu về bài toán phân loại văn bản, thuật toán Logistic Regression, tiền xử lý văn bản, mô hình bag-of-words, kĩ thuật TF-IDF, huấn luyện mô hình, thực hiện cài đặt thuật toán và thử nghiệm với bộ dữ liệu gồm 50.000 đánh giá về các bộ phim được cung cấp bởi Andrew Maas.

Công trình ứng dụng thuật toán Logistic Regression để tiến hành phân loại đánh giá có thể áp dụng trong các vấn đề phân loại email, trong y học phân loại u lành hay u ác, trong doanh nghiệp có thể sử dụng để đánh giá khả năng khách hàng sử dụng dịch vụ… trong giáo dục có thể được sử dụng đánh giá, dự đoán tỉ lệ người học bị trượt môn học và từ đó đưa ra hướng điều chỉnh hợp lý… Hướng phát triển của đề tài nhằm xây dựng tập dữ liệu huấn luyện và thử nghiệm với bộ dữ liệu trên các website. Tìm hiểu thêm các thuật toán, mô hình khác nhằm nâng cao hiệu quả trong bài toán phân loại.

Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” với nhiều công trình, sáng kiến tiêu biểu, được mở rộng phạm vi là các công trình, sáng kiến có thể là từng môn học, từng bậc học, lứa tuổi hoặc nhiều môn học, bậc học, lứa tuổi; hoặc trong phương pháp giảng dạy; hoặc phương pháp học tập, tiếp thu kiến thức hiệu quả; công cụ dạy học cải tiến có tính ưu việt so với các công cụ hiện đang áp dụng trong môi trường giáo dục được áp dụng vào thực tiễn; các công trình nghiên cứu đưa ra các giải pháp cụ thể, có giá trị thực tiễn cao…và đã được sự đón nhận tích cực từ người học, thầy cô giáo, phụ huynh. Năm 2021 sẽ là mũi nhọn trong việc tham gia đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo của Đoàn, với nhiều công trình, sáng kiến có tính chất đột phá, áp dụng rộng rãi hơn, mang lại hiệu quả học tập, nghiên cứu cao hơn cho người học, giáo viên.

Hi vọng rằng trong thời gian tới, Chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” sẽ là môi trường để các giảng viên trẻ trường CĐSP Điện Biên được thể hiện sự say mê, đam mê sáng tạo với nhiều công trình, sáng kiến mang lại hiệu quả trong công tác giáo dục, nghiên cứu khoa học.

Người viết bài: Nguyễn Thị Phương Thúy

BÌNH LUẬN