Hướng dẫn hoạt động tự bồi dưỡng của giáo viên thông qua E-Learning

0
653

Bồi dưỡng giáo viên thông qua E-Learning là một hướng đi mới phù hợp với đặc trưng của xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin vào đổi mới phương pháp và hình thức bồi dưỡng giáo viên nói chung. Bồi dưỡng thông qua E-Learning có thể thích hợp cho nhiều đối tượng khác nhau, gia tăng cơ hội học tập cho mọi người, phát triển khả năng tự học và tạo điều kiện để người học có thể “học suốt đời”. Tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên thông qua E-Learning là mô hình có ưu thế giúp số đông giáo viên thu nhận những kiến thức phục vụ cho việc nâng cao năng lực chuyên môn hiện nay.

Hoạt động tự bồi dưỡng của giáo viên qua E-Learning là gì?

Hoạt động tự bồi dưỡng của giáo viên qua E-Learning là giúp giáo viên sử dụng công nghệ mạng Internet và trình duyệt Web để tiến hành các hoạt động bồi dưỡng qua việc thiết kế và tổ chức các diễn đàn trao đổi trực tuyến; xây dựng và tổ chức cho giáo viên tự kiểm tra, tự đánh giá trực tuyến thông qua hệ thống các bài tập, câu hỏi, trắc nghiệm… nhằm nâng cao khả năng độc lập chiếm lĩnh tri thức, hình thành những kỹ năng, kỹ xảo để có thể tự bồi dưỡng mọi nơi, mọi lúc thông qua các phương tiện có trình duyệt Web. Với hình thức học tập qua E-Learning, giáo viên sẽ chủ động sắp xếp kế hoạch bồi dưỡng của mình, chủ động tham gia tìm kiếm tư liệu bồi dưỡng và chia sẻ ý kiến tích cực trên diễn đàn học tập với giảng viên, đồng nghiệp. Mặt khác, sự tích cực và tự giác còn thể hiện ở hoạt động tự kiểm tra, tự đánh giá kết quả bồi dưỡng của bản thân thông qua hệ thống câu hỏi, bài tập, trắc nghiệm kiểm tra trên Website đã thiết lập. Tính tích cực và chủ động, tự giác của giáo viên sẽ quyết định kết quả việc tự bồi dưỡng qua E-Learning.

Trong thực tế, không phải giáo viên nào cũng được trang bị đầy đủ những kỹ năng tin học để có thể thao tác khi tự bồi dưỡng thông qua E-Learning. Để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, việc chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc sắp xếp và thể hiện nội dung các chuyên đề bồi dưỡng trên cơ sở tham khảo các nguồn tài liệu, kinh nghiệm giảng dạy của bản thân và tham khảo ý kiến chuyên gia, còn có sự trợ giúp kịp thời của một số chuyên gia về công nghệ thông tin, dễ sử dụng và thuận tiện và phù hợp với đặc điểm của môi trường sư phạm. Tuy nhiên, làm thế nào để người học có thể tự giác đăng ký tham gia bồi dưỡng và hoạt động tự bồi dưỡng được diễn ra liên tục, thường xuyên là vấn đề mà các nhà quản lý cần quan tâm để hỗ trợ giáo viên.

Các bước hướng dẫn hoạt động tự bồi dưỡng qua E-Learning

Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của giáo viên khi tham gia khoá trực tuyến đó là chỉ dẫn các bước học tập và trợ giúp khi người học gặp phải khó khăn trong quá trình học tập. Để khắc phục những khó khăn này, trong quá trình thiết kế giao diện của Website, ở mục hướng dẫn sử dụng, cần đưa ra các chỉ dẫn cụ thể để giáo viên có thể tự truy cập vào các nội dung quan tâm và tải về để tự nghiên cứu. Trong phần phát triển chuyên môn cho giáo viên, website cũng đã hướng dẫn các điều kiện cần thiết và nguồn tài nguyên, học liệu mở trên Internet để giáo viên tự bồi dưỡng dựa vào nhu cầu và mục tiêu tự bồi dưỡng của bản thân. Một trong những đặc thù của tự học qua E-Learning chính là tính tương tác cao nên cần đảm bảo cho người học tương tác với học liệu một cách thuận tiện nhất.

Để thực hiện có hiệu quả việc tự bồi dưỡng cần tiến hành các bước sau:

Bước 1: Xác định các chuyên đề cần nghiên cứu: Xác định các chủ đề bao gồm chủ đề trao đổi chung và các chủ đề chuyên sâu. Xác định mục tiêu cho các chuyên đề nhằm nâng cao năng lực thực hiện các chuyên đề trong thực tiễn.

Bước 2: Tạo môi trường tương tác thường xuyên giữa người dạy và người học, giữa người học với nhau: Mã nguồn NUKEVIET CMS là mã nguồn mở (Open Source) hoàn toàn miễn phí và không vi phạm bản quyền phần mềm theo giấy phép của cộng đồng nguồn mở. Do đó giảm đáng kể chi phí bản quyền WebSite. Nhằm thiết lập sự tương tác thường xuyên giữa người dạy học và người học, giữa người học với nhau trong quá trình tự bồi dưỡng trực tuyến. Thông qua diễn đàn thảo luận, sẽ khuyến khích người học trao đổi và đưa ra các câu hỏi về những vấn đề đặt ra trong thực tiễn; mặt khác, diễn đàn còn là nơi để chia sẻ những hiểu biết, quan điểm cá nhân về các sự kiện, hiện tượng liên quan đến các chủ đề. Việc thảo luận, hỏi đáp trên diễn đàn có ưu thế hơn trả lời trực tiếp trên lớp là tính chuyên môn của vấn đề thường sâu hơn, có thể trả lời với số lượng nhiều, đáp ứng nhu cầu học tập cho số đông. Thảo luận qua diễn đàn còn có ưu điểm là không bị giới hạn bởi thời gian và không gian như trao đổi trực tiếp tại lớp học.

Bước 3: Tổ chức diễn đàn trao đổi: Việc tổ chức diễn đàn trao đổi trực tuyến có thể thực hiện như sau: Tiến hành giao tiếp đồng bộ (tạo lập phòng Chat) hoặc giao tiếp không đồng bộ (comments chia sẻ, các bài viết để lại qua email) để các thành viên đưa ra ý kiến, bàn luận, chia sẻ, giải đáp những thắc mắc liên quan đến nội dung các chuyên đề. Giáo viên cần tích cực tham gia vào các diễn đàn trao đổi trực tuyến giữa người dạy – người học, người học – người học để chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc, đưa ra ý kiến về các chủ đề liên quan đến nội dung bồi dưỡng. Việc làm này giúp giáo viên quản lý được số lượng cũng như việc viết bài tham gia diễn đàn của người học mà không cần phải giáp mặt trực tiếp như ở trên lớp học. Giáo viên tổng kết các chủ đề theo tiến trình thời gian đã xác định, trả lời những thắc mắc/băn khoăn của người học trên diễn đàn, bình chọn những bài viết tốt trong mỗi chủ đề để khuyến khích người học tham gia tích cực và chủ động, khuyến khích người học bắt đầu một chủ đề mới với các hoạt động tiếp theo.

Bước 4: Tổng kết đánh giá kết quả tự bồi dưỡng: Đánh giá tính tích cực tham gia học tập, nghiên cứu các về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục cho người học và đánh giá kết quả tự bồi dưỡng của giáo viên qua hệ thống các bài tập, câu hỏi tự kiểm tra, đánh giá để kịp thời điều chỉnh khi cần thiết. Xây dựng hệ thống bài tập lớn, câu hỏi tự luận, trắc nghiệm khách quan. Xây dựng tiêu chí đánh giá cụ thể cho mỗi bài tập lớn, đảm bảo tính toàn diện của các nguyên tắc đánh giá qua E-learning. Sau mỗi bài giảng sẽ lựa chọn và đưa ra những nhiệm vụ dạy học cụ thể dưới dạng những bài tập tự luận, trắc nghiệm và những tình huống thực tiễn đòi hỏi người học phải tìm tòi, nghiên cứu và giải quyết trong thời gian cụ thể. Hướng dẫn người học cách đăng nhập làm thành viên của Website và tổ chức kiểm tra, đánh giá cũng như hướng dẫn giáo viên cách tự kiểm tra, tự đánh giá thường xuyên kết quả bồi dưỡng qua các bài tập này.

Tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên thông qua E-Learning là mô hình có ưu thế giúp số đông giáo viên thu nhận những kiến thức phục vụ cho việc nâng cao năng lực chuyên môn hiện nay. Nhà trường cần xây dựng được kế hoạch năm học thể hiện các hoạt động giáo dục nhằm cụ thể hoá chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo phù hợp với đặc điểm của nhà trường, giáo viên. Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ và tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ chuyên trách… tham gia các lớp tập huấn. Nhà trường tạo điều kiện về cơ sở vật chất và bồi dưỡng trình độ tin học cho đội ngũ giáo viên để có thể tự học, tự bồi dưỡng qua E-Learning; tạo động lực làm việc cho đội ngũ như: phân công công việc cụ thể, động viên, khen thưởng kịp thời và cần hỗ trợ đầy đủ hơn điều kiện cần thiết như: tài liệu, thời gian, kinh phí.

Tác giả: Phạm Ngọc Cảnh

BÌNH LUẬN