KHOA GIÁO DỤC MẦM NON

0
87

GIÁO DỤC HÀNH VI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CHO TRẺ MẦM NON VỚI SINH VIÊN TRƯỜNG CAO ĐẲNG SƯ PHẠM ĐIỆN BIÊN

Bài: Đặng Thị Mai

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường là sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức của con người. Vì vậy hiểu biết về môi trường và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường mang tính cần thiết, cấp bách, có tính chiến lược toàn cầu. Các nhà khoa học đều cho rằng giáo dục bảo vệ môi trường cần được quan tâm đúng mức ngay từ lứa tuổi mầm non vì lứa tuổi này dễ dàng hình thành nề nếp thói quen, mang lại hiệu quả cao, tạo cơ sở cho việc hình thành nhân cách con người. Tham gia vào công tác giáo dục bảo vệ môi trường từ đó trẻ hiểu biết về môi trường, giúp trẻ có hành vi, thái độ ứng xử phù hợp với môi trường để gìn giữ bảo vệ môi trường, biết sống hòa nhập với môi trường nhằm đảm bảo phát triển lành mạnh, toàn diện.

Qua giảng dạy học phần “Giáo dục môi trường cho trẻ mầm non” cho sinh viên K24 MN – Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên và qua việc dẫn đoàn sinh viên K24 MN đi thực tập tại các cơ sở giáo dục mầm non nhận thấy giáo dục hành vi môi trường cho trẻ mầm non là rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn góp phần đặt nền móng ban đầu cho việc hình thành nên nhân cách con người.

Tuy nhiên qua quan sát thực tế việc giáo dục trẻ có hành vi, thái độ tham gia bảo vệ môi trường ở trường mầm non còn chưa thường xuyên, trẻ chưa thật sự có ý thức bảo vệ môi trường xung quanh qua nhiều các hoạt động phong phú như ươm cây, chăm cây, chưa được tham gia nhiều trong các giờ học STEAM, ….với các giờ học linh hoạt, sáng tạo lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường.

Vì vậy với mong muốn bài viết góp phần trang bị thêm cho sinh viên ngành giáo dục mầm non trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên có thêm những nội dung kiến thức ngoài học phần “Giáo dục môi trường cho trẻ mầm non” đã được học trong chương trình đào tạo có thêm những hiểu biết về mục tiêu, nội dung, cách tiếp cận khi giáo dục hành vi bảo vệ môi trường cho trẻ ở các trường mầm non.

  1. Mục tiêu giáo dục hành vi bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non

Giáo dục hành vi bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non là quá trình tác động có mục đích tới trẻ nhằm trang bị cho trẻ các hiểu biết về môi trường, hình thành thái độ sống tích cực, thân thiện với môi trường và những kĩ năng phù hợp, cần thiết để trẻ có các hành vi cụ thể tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Giáo dục hành vi bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non thống nhất với các mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện trẻ mầm non, hướng đến các giá trị của con người trong thời đại mới giúp cho trẻ:

– Có những kĩ năng, hành vi phù hợp với lứa tuổi để bảo vệ giữ gìn môi trường ở gia đình, trường lớp và cộng đồng.

– Từ hành vi đó, tiếp tục làm cho trẻ nhận ra mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó không thể tách rời giữa con người với môi trường sống xung quanh, giúp trẻ có những hiểu biết phù hợp với lứa tuổi về môi trường xung quanh và “hệ sinh thái” của môi trường sống.

– Hình thành ở trẻ tình cảm, thái độ tích cực đối với môi trường: thích các hành vi “đẹp” vừa là thể hiện sự giáo dục của bản thân, vừa góp phần bảo vệ môi trường; phản đối/ không đồng tình với hành vi gây hại đến môi trường; cao hơn nữa là có nhu cầu tạo ra cái tốt đẹp cho môi trường sống của bản thân và của người khác, của cộng đồng.

  1. Nội dung giáo dục hành vi bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non

Trong chương trình giáo dục Mầm non, nội dung giáo dục bảo vệ môi trường cho trẻ gồm các kiến thức về môi trường và thái độ quan tâm bảo vệ môi trường (tiết kiệm điện, nước; giữ gìn vệ sinh môi trường; bảo vệ chăm sóc con vật và cây cối). Giáo dục bảo vệ môi trường với trẻ mầm non hướng đến đích cuối cùng là trang bị cho các con hiểu biết và có hành vi tích cực đối với môi trường. Các tài liệu hướng dẫn cụ thể về vấn đề này chỉ ra rằng, giáo dục hành vi bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non tập trung vào các vấn đề cơ bản sau:

Nội dung 1: Con người và môi trường sống

– Nhận biết môi trường: môi trường trong trường mầm non; môi trường ở gia đình.

– Hiểu biết về môi trường xung quanh: phân biệt môi trường sạch, môi trường bị ô nhiễm; nguyên nhân làm môi trường bị ô nhiễm; các hoạt động chăm sóc, bảo vệ môi trường .

– Quan tâm bảo vệ môi trường: tiết kiệm trong sinh hoạt; tham gia bảo vệ môi trường.

Nội dung 2: Con người với động vật, thực vật

– Mối quan hệ giữa động vật với con người, thực vật và môi trường.

– Mối quan hệ giữa thực vật với con người, động vật và môi trường.

– Mối quan hệ giữa con người với động vật, thực vật và môi trường.

Nội dung 3: Con người với một số hiện tượng thiên nhiên

– Gió: Lợi ích của gió; tác hại của gió; biện pháp tránh gió.

– Nắng và mặt trời: lợi ích của nắng; tác hại của nắng; biện pháp tránh nắng.

– Mưa: Lợi ích của mưa; tác hại của mưa; biện pháp tránh mưa.

Nội dung 4: Con người và tài nguyên (đất, nước, rừng và danh lam thắng cảnh)

– Tác dụng của đất, biện pháp bảo vệ đất.

– Tác dụng của nước, biện pháp bảo vệ nước.

– Tác dụng của rừng, biện pháp bảo vệ rừng.

– Các danh lam thắng cảnh, biện pháp bảo vệ danh lam thắng cảnh.

  1. Cách tiếp cận giáo dục hành vi bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non

Giáo dục hành vi bảo vệ môi trường cho trẻ mầm non có thể theo 3 cách tiếp cận nói chung thường được nhắc đến đó là:

– Giáo dục về môi trường: trang bị cho trẻ những kiến thức và hiểu biết thiết yếu về khoa học môi trường trong mối quan hệ với các vấn đề xã hội, văn hóa, và kinh tế. Mục đích của cách tiếp cận này là giúp cho trẻ có thông tin đầy đủ và đưa ra được những quyết định hợp lí về cách ứng xử với môi trường;

– Giáo dục trong môi trường: xem môi trường thiên nhiên hoặc nhân tạo là phương tiện, môi trường để giảng dạy và học tập. Điều này tạo cơ hội cho trẻ sử dụng chính môi trường xung quanh làm nơi học tập, tìm hiểu và trải nghiệm thực tế các vấn đề về môi trường;

– Giáo dục vì môi trường: truyền đạt kiến thức về bản chất, đặc trưng của môi trường, hướng tới hình thành thái độ, cách ứng xử, ý thức trách nhiệm về môi trường; đồng thời cung cấp tri thức, kĩ năng, phương pháp cần thiết cho những quyết định hành động bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hướng tiếp cận giáo dục này giúp trẻ có khả năng thực hiện thay đổi vì một thế giới tốt đẹp hơn, đương đầu với những vấn đề và nguy cơ của địa phương.

Môi trường xanh – sạch – đẹp làm cho con người khỏe mạnh, con người được khỏe mạnh cần có sức khỏe là có tất cả. Muốn có môi trường xanh – sạch – đẹp thì cần giáo dục môi trường, vì giáo dục là một trong những biện pháp có hiệu quả và kinh tế nhất để thực hiện mục tiêu cung cấp cho trẻ những hiểu biết ban đầu về môi trường, từ đó giúp trẻ có hành vi, thói quen, thái độ ứng xử phù hợp, sống thân thiện, hòa nhập với môi trường, giữ gìn và bảo vệ môi trường. Giáo dục môi trường cho trẻ nhỏ sẽ hình thành những phản xạ, những thói quen đầu tiên trong việc bảo vệ môi trường. Thông qua việc trải nghiệm giúp trẻ hình thành ý thức bảo vệ môi trường, có thái độ ứng xử, hành vi đúng đắn, biết cách sống thân thiện và tích cực với môi trường xung quanh.

Hình ảnh sinh viên trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên tham gia vệ sinh môi trường

BÌNH LUẬN