Kỹ năng kiểm soát cảm xúc của giáo viên mầm non

0
4860

Theo Carroll E.Izard, “Cảm xúc tạo nên hệ động cơ chính của con người. Các cảm xúc có ý nghĩa to lớn trong hoạt động của cá nhân, nó thôi thúc con người làm việc. Chúng ta không nên nghĩ cảm xúc là yếu tố đối lập hoàn toàn với trí tuệ. Hay nói đúng hơn, cảm xúc là một dạng trí tuệ bậc cao”. Cảm xúc là một phẩm chất tâm lí cơ bản, giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người. Cảm xúc có tác động mạnh mẽ đến hiệu quả công việc, học tập và khả năng sáng tạo của con người. Thực tế cho thấy, khi con người vui sướng, họ hoạt động năng nổ, nhiệt tình; ngược lại, khi con người sợ hãi, đau khổ, họ có xu hướng thu mình lại, uể oải, mệt mỏi, mất năng lực, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống. Như vậy, cảm xúc có tính hai mặt: một mặt, cảm xúc là động lực thôi thúc cá nhân hoạt động có hiệu quả; mặt khác, cảm xúc cũng có thể là rào cản, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của mỗi cá nhân. Theo đó, để các hoạt động hằng ngày đạt hiệu quả, giảm bớt rủi ro thì kĩ năng quản lí cảm xúc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp chúng ta biết nhận diện, kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của bản thân để đạt được hiệu quả hoạt động.

Giáo viên mầm non là chủ thể của hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non. Tuy nhiên, hoạt động sư phạm của giáo viên mầm non có điểm đặc thù, khác biệt so với hoạt động sư phạm của giáo viên ở các cấp học khác, bởi đối tượng của hoạt động chăm sóc và giáo dục của giáo viên mầm non là trẻ còn nhỏ (dưới 6 tuổi), các em đang trong quá trình hình thành và phát triển những phẩm chất ban đầu của nhân cách, hoạt động chủ đạo của trẻ là vui chơi. Do đó, giáo viên mầm non cần tổ chức các hoạt động chăm sóc và giáo dục sao cho phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi mầm non.

Có nhiều quan điểm khác nhau về cảm xúc. Trong bài viết này, tác giả đồng quan điểm của tác giả Nguyễn Quang Uẩn và cho rằng: “Cảm xúc là những rung cảm của cá nhân, phản ánh ý nghĩa mối quan hệ giữa hiện thực khách quan và hệ thống nhu cầu, động cơ của cá nhân đó. Nói cách khác, cảm xúc xuất hiện khi có kích thích từ bên trong hoặc bên ngoài có liên quan đến hệ thống nhu cầu, động cơ của cá nhân. Quản lí cảm xúc là khái niệm được bắt nguồn từ các công trình nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc, nó được coi là một thành phần trong cấu trúc của trí tuệ cảm xúc”.

Theo Daniel Goleman, quản lý cảm xúc thể hiện năng lực làm cho những cảm xúc của mình thích nghi với hoàn cảnh, là việc con người tự trấn an tinh thần của mình, thoát ra khỏi sự chi phối của lo âu, buồn rầu và giận dữ,…. Theo Nguyễn Thị Hải: “Quản lý cảm xúc là quá trình điều chỉnh cảm xúc của bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp” . Theo tiếp cận nhận thức, phản ứng của con người trước các sự kiện, tình huống trong cuộc sống là tổng hòa phản ứng của một hệ thống bao gồm nhiều yếu tố khác nhau như: nhận thức, cảm xúc, nhu cầu, động cơ và hành vi. Trong đó, nhận thức đảm nhận vai trò lí giải và đưa ra ý nghĩa cho các sự kiện, tình huống bên ngoài. Theo Nguyễn Thị Minh Hằng: “Nhận thức ảnh hưởng đến các yếu tố còn lại như cảm xúc, nhu cầu, động cơ và hành vi của con người khi gặp phải một sự kiện kích hoạt nào đó”. Trong bài viết này, tác giả dựa trên quan điểm của trường phái nhận thức – hành vi và cho rằng: quản lý cảm xúc là quá trình đánh giá khách quan những suy nghĩ có liên quan đến sự kiện kích hoạt cảm xúc để nhận diện, kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của bản thân nhằm đạt được hiệu quả hoạt động.

Kĩ năng cũng là vấn đề được nhiều tác giả trong và ngoài nước nghiên cứu. Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đi trước tiếp cận “kĩ năng” theo hai hướng:

– Kĩ năng thiên về mặt kĩ thuật, thao tác của hành động, hoạt động;

– Xem xét kĩ năng thiên về năng lực của con người. Theo đó, thuật ngữ “kĩ năng” ban đầu được sử dụng với các hành động có tính cơ học, nhưng đến nay kĩ năng được sử dụng để phản ánh nhiều năng lực khác nhau của con người như: kĩ năng ngôn ngữ, kĩ năng tư duy, kĩ năng xã hội,… Nghiên cứu này tiếp cận kĩ năng thiên về năng lực của con người. Nguyễn Bá Phu quan niệm về khái niệm kĩ năng như sau: “Kĩ năng là năng lực vận dụng các cách thức hành động vào hoạt động thực tiễn trong điều kiện cụ thể để thực hiện hoạt động đó đạt kết quả theo mục đích đã đề ra”.

Trên cơ sở những phân tích ở trên, Kỹ năng quản lý cảm xúc của giáo viên mầm non trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non được hiểu là: Năng lực vận dụng các cách thức hành động, đánh giá khách quan những suy nghĩ có liên quan đến sự kiện kích hoạt cảm xúc để nhận diện, kiểm soát và điều chỉnh cảm xúc của giáo viên mầm non trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ nhằm đạt được hiệu quả công việc.

Kỹ năng quản lí cảm xúc của giáo viên mầm non sẽ bao gồm 03 kĩ năng thành phần: kĩ năng nhận diện cảm xúc, kỹ năng kiểm soát cảm xúc và kĩ năng điều chỉnh cảm xúc. Năng lực vận dụng các cách thức hành động, đánh giá khách quan những suy nghĩ có liên quan đến sự kiện kích hoạt cảm xúc sẽ được thể hiện ở 03 kĩ năng thành phần của kĩ năng quản lí cảm xúc, giúp giáo viên mầm non đạt được hiệu quả trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ. Theo đó, kỹ năng kiểm soát cảm xúc của giáo viên mầm non là năng lực theo dõi, kìm nén, tiết chế và làm chậm quá trình bộc lộ cảm xúc bằng việc tập trung suy nghĩ về cảm xúc, điều chỉnh biểu hiện cơ thể, hành vi và ngôn ngữ của bản thân nhằm đạt được hiệu quả công việc.

 Như vậy, kỹ năng kiểm soát cảm xúc của giáo viên mầm non trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ bao gồm các biểu hiện sau: Suy nghĩ về cảm xúc đang gặp phải: Tôi đang cảm thấy thế nào? Cảm xúc gì đang diễn ra với tôi? Biểu hiện cơ thể của tôi như thế nào? Hành vi của tôi như thế nào?; Thay đổi biểu hiện cơ thể (tập trung vào hơi thở, hít thở sâu, ngồi tĩnh lặng, nắm chặt tay và thả ra,…); Thay đổi hành vi (uống nước, tạm thời ra khỏi lớp, nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp, Ban Giám hiệu, chia sẻ với người thân,…); Thay đổi ngôn ngữ giao tiếp với trẻ; Suy nghĩ về những hậu quả nếu bộc lộ cảm xúc với cường độ mạnh; Kìm nén, tiết chế, làm chậm quá trình bộc lộ cảm xúc; Bộc lộ cảm xúc một cách từ tốn với mức độ thấp nhất có thể; Luôn để ý, theo dõi cảm xúc của mình trong suốt quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ.

Kiểm soát được cảm xúc là điều kiện trực tiếp, giúp giáo viên mầm non đánh giá khách quan những suy nghĩ liên quan đến cảm xúc, từ đó sẽ điều chỉnh được cảm xúc cho phù hợp với mục đích công việc. Ngược lại, nếu giáo viên mầm non không kiểm soát được cảm xúc của mình bằng ý thức, họ sẽ bộc lộ cảm xúc bằng vô thức với cường độ không phù hợp (quá mạnh hoặc quá yếu), từ đó làm ảnh hưởng đến hiệu quả chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Tài liệu tham khảo

[1] Carroll E.Izard (1992). Những cảm xúc của con người (người dịch: Nguyễn Hữu Chương, Nguyễn Khắc Hiếu, Nguyễn Dương Khư). NXB Giáo dục.

[2] Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên, 2007). Giáo trình Tâm lí học đại cương. NXB Đại học Sư phạm.

 [3] Nguyễn Thị Minh Hằng (chủ biên) – Trần Thành Nam – Nguyễn Bá Đạt – Nguyễn Ngọc Diệp (2017). Giáo trình Tâm lí học lâm sàng. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tác giả: Phan Thị Lung

BÌNH LUẬN