Đoàn viên thanh niên trường CĐSP Điện Biên học và làm theo chữ Cần của Hồ Chí Minh

0
340

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Người quan niệm đạo đức là gốc của người cách mạng, giống như cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông suối. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư được xem là những chuẩn mực đạo đức cơ bản của người cách mạng.

Cần theo tư tưởng Hồ Chí Minh có nghĩa là cần cù, siêng năng, chăm chỉ trong học tập, lao động, chiến đấu và sản xuất. Cần còn có nghĩa là việc gì, dù khó khăn mấy cũng làm được, cũng như dao siêng mài thì sắc bén, ruộng siêng làm cỏ thì lúa tốt. Bác dạy: “Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào nên làm xong ngày ấy, chớ để ngày mai”. Bác còn dạy: “Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi, nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân”[1]. Bác phân tích đối lập với cần là lười biếng: “Lười biếng là kẻ địch của chữ cần. Vì vậy, lười biếng cũng là kẻ địch của dân tộc. Một người lười biếng, có thể ảnh hưởng tai hại đến công việc của hàng nghìn, hàng vạn người khác”[2]. Như vậy, theo Người, “người lười biếng là có tội với đồng bào, với Tổ quốc”, trái với đạo đức cách mạng, cản trở phong trào thi đua lao động sáng tạo của cả dân tộc.

Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cần không có nghĩa là làm cho có, cứ làm mà không quan tâm đến kết quả. Sự miệt mài một cách vô thức, không hiệu quả chưa phải là cần. Theo Bác, chữ Cần không chỉ là chăm chỉ, siêng năng mà phải gắn với trí sáng tạo, phương pháp, lề lối làm việc khoa học, chủ động trong việc sắp xếp công tác hợp lý, khoa học: “Muốn cho chữ Cần có nhiều kết quả hơn, thì phải có kế hoạch cho mọi công việc. Nghĩa là phải tính toán cẩn thận, sắp đặt gọn gàng”. Song “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau”[3].

Cùng với việc phân tích chữ Cần, Hồ Chí Minh đã chỉ ra phương pháp thực hiện Cần:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh cho rằng “Cần và chuyên phải đi đôi với nhau. Chuyên nghĩa là dẻo dai, bền bỉ. Nếu không chuyên, nếu một ngày Cần mà mười ngày không Cần thì cũng vô ích”[4]. Cũng như trong việc tu thân, tốt một ngày, một tháng, một năm chưa làm nên cái tốt một đời nhưng cái tốt một đời dễ dàng bị hủy diệt bởi cái không tốt trong một ngày, một tháng, một năm nếu cái không tốt đó là trầm trọng. Vì thế, nếu không “chuyên”, tức là không bền bỉ thì “chẳng khác gì một tấm vải phơi một hôm mà ngâm nước mười hôm, thì ướt hoàn ướt”[5].

Thứ hai, Hồ Chí Minh lưu ý “Cần không phải là làm xổi”, không làm quá sức để đến nỗi sinh ốm đau, phải bỏ việc. Người khôn ngoan phải biết nuôi dưỡng tinh thần và sức lực để duy trì “sức bền” của mình trong suốt cuộc đời; nhà lãnh đạo thì phải biết nuôi dưỡng sức dân, không để sức dân bị cạn kiệt.

Thứ ba, khi đạo đức là kết quả của cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, giữa cái cao cả và cái bản năng thấp hèn thì việc tu dưỡng phẩm chất cần cù, siêng năng phải đi liền với việc chống lại căn bệnh lười biếng trong mỗi con người. Nếu con người lười biếng thì “bờ xôi, ruộng mật”cũng thành đất chết; nếu có bàn tay siêng năng thì “sỏi đá cũng thành cơm”.

Khi bàn về chữ Cần, Người đã đặt chữ Cần vào một tổng thể các phẩm chất không thể tách rời là, “Cần kiệm liêm chính” và đặt chữ Cần lên trên hết. Quả thật, cần mà không kiệm thì chẳng khác nào “gió vào nhà trống”, “nước đổ vào thùng không đáy”, rốt cuộc “không lại hoàn không”. Có Cần mới có cái để kiệm và có cần mới biết kiệm; có kiệm mới có thể liêm; có liêm mới có thể chính. Ngược lại, nếu không cần sẽ không thấy giá trị của thành quả lao động, sẽ hoang phí, xa hoa. Mà đã xa hoa, ăn chơi hưởng lạc thì phải làm chuyện bất liêm, bất chính. Tức là trong quan điểm của Hồ Chí Minh, cần là tiền đề của các phẩm chất khác và là gốc của đạo đức.

Ngày nay, trong thực tế công việc cũng như cuộc sống hàng ngày không ít đoàn viên thanh niên còn có tư tưởng ngại khó, ngại khổ, chưa thực sự cần cù, chưa có tính sáng tạo, sắp xếp kế hoạch công việc chưa logic, không phù hợp nên hiệu quả công việc chưa cao. Để thực hiện tốt được chữ Cần, mỗi đoàn viên thanh niên cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, Hiểu thấu tư tưởng Hồ Chí Minh về chữ Cần. Mỗi đoàn viên thanh niên cần tích cực đấu tranh với những biểu hiện lười hoạt động, lười suy nghĩ, học tập một cách thu động máy móc. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản thân trên tất cả các mặt. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng”[6]. Quá trình vận dụng chữ Cần theo tư tưởng của Bác cũng phải linh hoạt, sáng tạo, tránh hữu dũng vô mưu.

Thứ hai, Tự giác tu dưỡng, rèn luyện. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra con đường cơ bản cho mỗi tự vươn lên hoàn thiện mình là phải học tập, rèn luyện bền bỉ suốt đời. Thực hành đạo đức trong đời sống hàng ngày không chỉ có tác dụng tôn vinh, nâng cao giá trị chính họ mà còn tạo sức mạnh nội sinh, giúp họ vượt qua khó khăn, thử thách. Phải tu dưỡng học tập, rèn luyện, chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, chống tư tưởng háo danh, hám lợi, chống lười biếng, coi khinh lao động, kiêu ngạo, giả dối, khoa khoang…

Thứ ba, Bằng hoạt động thực tiễn. Đối với mỗi đoàn viên thanh niên thì việc tu dưỡng rèn luyện phải được thực hiện bằng hoạt động thực tiễn của bản thân trong học tập, trong hoạt động, trong các mối quan hệ với bạn bè, người thân, xã hội. Thông qua hoạt động thực tiễn, mỗi đoàn viên thanh niên biết điều chỉnh hành vi của mình và cũng thông qua thực tiễn phẩm chất nhân cách của mỗi người được thể hiện rất cụ thể, phong phú, đa dạng. Chỉ có thông qua hoạt động thực tiễn, thông qua quá trình tu dưỡng rèn luyện công phu mới có được phẩm chất nhân cách tốt đẹp và phẩm chất ấy ngày càng được bồi đắp, nâng cao, hoàn thiện.

Học tập tư tưởng của Hồ Chí Minh về chữ Cần, trong những năm qua đoàn viên thanh niên trường CĐSP Điên Biên đã ra sức học tập, rèn luyện theo gương Người. Trong học tập, các đoàn viên thanh niên chăm chỉ, miệt mài rèn luyện, trau dồi kiến thức, ôn luyện thi cử. Đặc biệt với phong trào “Thắp sáng giảng đường mùa thi” đã thể hiện rõ sự chăm chỉ, quyết tâm của các đoàn viên thanh niên trong nhà trường. Không chỉ trong học tập, mà ngay cả trong các hoạt động phong trào cũng thể hiện sự chăm chỉ, cần mẫn của các em. Tiêu biểu như những hoạt động “Ngày chủ nhật xanh”, “Thiết kế đồ dùng từ rác thải nhựa”, “Không gian đẹp cho em”, “Tiếp sức mùa thi”, “Xây dựng đô thị văn minh”…Thông qua những hoạt động phong trào cùng với đôi bàn tay khéo léo, cũng như sự nhiệt huyết của sức trẻ đã toát lên sự cần cù, chịu khó của các đoàn viên thanh niên nhà trường.

Như vậy, chữ Cần trong tư tưởng của Hồ Chí Minh là trí tuệ, là phẩm chất cần thiết của mỗi người. Hiện nay, khi “một bộ phận không nhỏ đoàn viên thanh niên có biểu hiện về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi” thì việc rèn luyện chữ Cần theo tư tưởng của Bác là vấn đề rất cần thiết.

—————————–

[1] Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2000,tập 5, tr 104.

[2] Sđd, tr.634; [3] Sđd, tập 5, tr.633; [6] Sđd, t.5, tr.109.

[4], [5], Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.119, 120.

Người viết bài: Hà Thị Kim Tuyến

BÌNH LUẬN