MỘT SỐ BIỆN PHÁP QUẢN LÍ HOẠT ĐỘNG TRẢI NGHIỆM Ở TRƯỜNG MẦM NON

0
2233

Hoạt động trải nghiệm trong trường mầm non là hoạt động giáo dục, ở đó trẻ được hành động thực tiễn với các sự vật, hiện tượng và con người, trẻ trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức khác nhau, nhờ đó kinh nghiệm của trẻ được tích lũy. Công tác quản lí hoạt động trải nghiệm trong trường mầm non có ý nghĩa quan trọng, giúp cho các cơ sở giáo dục mầm non triển khai tốt các hoạt động trải nghiệm cho trẻ mầm non.

Các biện pháp quản lí hoạt động trải nghiệm trong trường mầm non:

  1. Đổi mới quản lí chuyên môn giáo dục mầm non

Chương trình giáo dục mầm non là chương trình khung, mang tính mở. Điều này rất thuận tiện cho việc phát triển chương trình ở các cơ sở giáo dục mầm non, thuận lợi cho việc phát huy tính sáng tạo của giáo viên mầm non trong việc lập kế hoạch giáo dục, thiết kế môi trường, tổ chức các hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, hiệu quả của việc thực hiện Chương trình giáo dục mầm non phụ thuộc rất lớn vào công tác quản lí chuyên môn giáo dục mầm non, nhất là đối với Phòng giáo dục mầm non – đơn vị quản lí chuyên môn trực tiếp tại các sở giáo dục. Trong công tác quản lí giáo dục mầm non, yếu tố linh hoạt rất quan trọng. Nguyên tắc giáo dục là lấy trẻ làm trung tâm, tổ chức các hoạt động giáo dục dựa vào nhu cầu của trẻ. giáo viên mầm non mới là người hiểu trẻ nên trong công tác quản lí hoạt động trải nghiệm trong trường mầm non, người quản lí cần:

– Hiểu rõ bản chất của phát triển Chương trình giáo dục mầm non trong nhà trường;

– Linh hoạt trong công tác chỉ đạo thực hiện và đánh giá hiệu quả hoạt động trải nghiệm trong trường mầm non;

– Tạo cơ hội và khuyến khích giáo viên mầm non tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho trẻ và thể hiện sự sáng tạo khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm.

  1. Nâng cao chất lượng bồi dưỡng cán bộ quản lí và giáo viên mầm non

– Sở Giáo dục & Đào tạo, Phòng giáo dục xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phù hợp với điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục. Có thể lồng ghép nội dung vào các buổi sinh hoạt chuyên môn theo các cụm trường để công tác bồi dưỡng được thường xuyên và hiệu quả;

– Nội dung tập huấn về tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường mầm non cần đảm bảo nguyên tắc lấy trẻ làm trung tâm

– Tổ chức tham quan, học hỏi các đơn vị trường thực hiện tốt việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ;

– Các trường mầm non có kế hoạch chỉ đạo và nhân rộng toàn trường.

  1. Chỉ đạo giáo viên mầm non tổ chức phong phú các hình thức trải nghiệm cho trẻ hoạt động trải nghiệm có nội dung đa dạng, mang tính tổng hợp

Các hình thức giáo dục cho trẻ phong phú: hoạt động trong lớp học, hoạt động ngoài lớp học, hoạt động lao động, hoạt động tham quan, dã ngoại… Vì thế, đối với việc quản lí giáo dục, cần chỉ đạo theo hướng khuyến khích giáo viên mầm non tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ bằng nhiều hình thức khác nhau, với phương pháp tổ chức linh hoạt, chú trọng vào các hoạt động chủ đạo của lứa tuổi, tạo ra các cơ hội tốt cho trẻ trải nghiệm và hoạt động tích cực phù hợp với nhu cầu.

  1. Hướng dẫn, giúp đỡ giáo viên mầm non tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ

Đầu năm học, nhà trường xây dựng kế hoạch năm học. Trên cơ sở đó, giáo viên mầm non xây dựng kế hoạch tháng/chủ đề/… Ban Giám hiệu nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn tiến hành hướng dẫn giáo viên mầm non xây dựng kế hoạch giáo dục, lựa chọn nội dung, thiết kế môi trường, chuẩn bị các đồ dùng, đồ chơi và cách tổ chức hoạt động trải nghiệm hiệu quả. Trong quá trình tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo viên mầm non cần có kĩ năng quan sát trẻ, để điều chỉnh kế hoạch trải nghiệm tiếp theo. Khi tổ chức hoạt động trải nghiệm cho trẻ, giáo viên mầm non cần lưu ý:

– Xây dựng môi trường cho trẻ trải nghiệm đảm bảo an toàn, thu hút sự chú ý của trẻ, tạo cho trẻ mong muốn được hoạt động trong môi trường đó; môi trường đáp ứng nhu cầu, hứng thú chơi của trẻ. Giáo viên mầm non nên tận dụng những hoàn cảnh và tình huống thật cho trẻ hoạt động trải nghiệm, khám phá trong môi trường an toàn;

– Xây dựng kế hoạch trải nghiệm phù hợp với sự phát triển của trẻ, điều kiện kinh tế của vùng miền, địa phương, trường/lớp, các nội dung trải nghiệm có thể điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của trẻ. Không nhấn mạnh vào việc cung cấp kiến thức mới, kĩ năng mới và theo hướng tích hợp coi trọng việc hình thành và phát triển các năng lực, kĩ năng sống cho trẻ. Nội dung thể hiện tính tích hợp;

– Khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm cần phối hợp các phương pháp hợp lí, tăng cường tính chủ động, tích cực hoạt động của trẻ, đảm bảo trẻ “học bằng chơi”, tạo cơ hội cho trẻ bộc lộ hết khả năng của mình. Phương pháp hỗ trợ theo hướng mở rộng để khuyến khích trẻ sáng tạo. Không làm thay trẻ, khuyến khích tương tác giữa các trẻ;

– Đánh giá đúng sự tiến bộ của trẻ để có những tác động phù hợp. Chú trọng và thúc đẩy tiềm năng của mỗi trẻ. Dựa trên kết quả đánh giá để xây dựng kế hoạch trải nghiệm, điều chỉnh kế hoạch và tổ chức trải nghiệm tiếp theo phù hợp với nhu cầu, kinh nghiệm của trẻ.

  1. Làm tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và cộng đồng

Hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm: lao động, lễ hội, tham quan, dã ngoại… Để tổ chức hiệu quả các hoạt động trải nghiệm, thì sự tham gia của cộng đồng đặc biệt là phụ huynh trẻ là rất quan trọng. Cán bộ quản lí nhà trường cần lưu ý trong công tác phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và cộng đồng:

– Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền tới cộng đồng và phụ huynh trẻ về các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ, trong đó có hoạt động trải nghiệm;

– Có mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và phụ huynh trẻ;

– Tạo điều kiện cho phụ huynh trẻ tham gia vào các hoạt động trải nghiệm của trẻ. Kịp thời thông tin cho gia đình những tiến bộ và khó khăn của trẻ ở trường. Có biện pháp khuyến khích sự chia sẻ của gia đình trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ.

Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong trường mầm non sẽ tạo nhiều cơ hội cho trẻ được phát triển, khơi dậy ở trẻ những tiềm năng, giúp trẻ biết vận dụng kinh nghiệm vào giải quyết những tình huống trong thực tế, đồng thời phát triển những kĩ năng xã hội. Mỗi nhà quản lí trường mầm non cần căn cứ vào đặc điểm của trẻ, trường mầm non, của vùng/miền để tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho trẻ được chủ động, hiệu quả đúng với mục tiêu của phát triển chương trình.

Tác giả: Trần Thị Phương Thanh

BÌNH LUẬN