Một số vấn đề cần quan tâm trong phát triển giáo dục mầm non đáp ứng nhu cầu thực tiễn giáo dục hiện nay

0
765

Phát triển giáo dục mầm non, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo là vấn đề đặt ra thu hút sự quan tâm của xã hội, là nhu cầu, nguyện vọng của mỗi gia đình, cộng đồng và địa phương.

Giáo dục mầm non cần có bước phát triển mới, chuyển biến lớn, đáp ứng yêu cầu mới phù hợp với xu thế phát triển giáo dục mầm non của thế giới, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ và thẩm mỹ, mở rộng khả năng tiếp cận, cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục, hình thành nhân cách, kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi và chuẩn bị tốt nhất cho trẻ em 5 tuổi sẵn sàng vào tiểu học ở mọi vùng miền, đặc biệt là trẻ em vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, góp phần tích cực cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, liên thông với giáo dục phổ thông.

Để thực hiện sứ mạng kỳ vọng của giáo dục, hoàn thành nhiệm vụ đặt nền móng phát triển toàn diện của con người Việt Nam giáo dục mầm non cần được quan tâm những vấn đề sau:

Một là, nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục mầm non. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về phát triển giáo dục mầm trong tình hình mới. Đa dạng, linh hoạt, lồng ghép bằng nhiều hình thức thiết thực, phù hợp với từng đối tượng, huy động sự tham gia, phối hợp của hệ thống chính trị và các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các bậc cha mẹ và toàn xã hội vào công tác phát triển giáo dục mầm non.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định hoạt động và quản lý chất lượng giáo dục mầm non. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển giáo dục mầm non cho phù hợp với thực tiễn.

Ba là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo, nhu cầu gửi trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ở mọi vùng miền được đến lớp và chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày. Củng cố kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, từng bước triển khai thực hiện phổ cập giáo dục trẻ em mẫu giáo từ 3 – 4 tuổi, ưu tiên trẻ em người dân tộc thiểu số, miền núi, trẻ em yếu thế. Quan tâm bảo đảm ngân sách chi thường xuyên và bố trí đội ngũ để tổ chức các loại hình trường, lớp mầm non phù hợp, tạo cơ hội cho trẻ em mẫu giáo được đến trường đối với vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng miền núi, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Bốn là, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục mầm non phù hợp điều kiện thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và hội nhập quốc tế góp phần nâng cao chất lượng công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Tăng cường dạy học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số cho trẻ em trên cơ sở tiếng mẹ đẻ nhằm gìn giữ và phát huy giá trị ngôn ngữ, văn hóa của dân tộc thiểu số. Đổi mới hoạt động chuyên môn, hình thức tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ và đánh giá sự phát triển của trẻ theo hướng coi trọng chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phát triển toàn diện theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của trẻ em, chuẩn bị cho trẻ vào học lớp 1. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng trong việc phổ biến kiến thức, kỹ năng cơ bản chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.

Năm là, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Thực hiện hiệu quả việc sắp xếp, đổi mới căn bản mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên gắn với quy hoạch nhân lực giáo dục địa phương, vùng, miền theo hướng hình thành các đại học sư phạm trung tâm, đào tạo nhân lực chất lượng cao; hình thành các trường sư phạm vệ tinh. Nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường sư phạm. Đổi mới chương trình, đa dạng các phương thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên mầm non đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non và phát triển giáo dục mầm non. Phát triển năng lực nghề nghiệp, thực hành nghề nghiệp chú trọng rèn luyện đạo đức, nhân cách nghề nghiệp, lòng yêu ngành, yêu nghề cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mầm non. Thực hiện tốt việc liên kết giữa trường sư phạm với địa phương trong xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, trong đó có giáo viên mầm non bảo đảm đủ số lượng, cân đối về cơ cấu, khắc phục triệt để tình trạng thừa, thiếu giáo viên và phù hợp với thực tiễn địa phương, vùng, miền.

Tác giả: Vũ Thị Thanh Tâm

BÌNH LUẬN