Tuổi trẻ Trường CĐSP Điện Biên với cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Điện Biên” năm 2021

0
793

Với mục đích đẩy mạnh phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”, Đoàn trường CĐSP Điện Biên đã triển khai cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Điện Biên” đến toàn thể đoàn viên trong trường. Sau một thời gian triển khai, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo đoàn viên thanh niên trong toàn trường

Sau khi cuộc thi được phát động, đã có 42 ý tưởng được gửi về BCH Đoàn trường, nhiều ý tưởng đã thể hiện được sự sáng tạo, tâm huyết của các bạn đoàn viên. Trong đó có 7 ý tưởng được BCH xem xét và công nhận là các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp xuất sắc năm 2021.

7 ý tưởng xuất sắc năm 2021 lần lượt là: “Nuôi gà rừng” của Hờ Thị Sua; “Nước tắm thảo dược cho trẻ” của nhóm tác giả Lò Thị Biên, Lò Thị Tiên, Đèo Thị Chung; “Kinh doanh trà hoa khô” của Khoàng Thị Hà; “Chế tạo máy nén khí lợi dụng sức gió, năng lượng ánh mặt trời để tưới cây” của Cầm Văn Chính, Lò Văn Thái;  “Cà phê kí họa chân dung” của Vàng A Bẩy; “Món ăn dân tộc Thái – tinh hoa ẩm thực Điện Biên” của Trương Thị Toán, Lò Thị Mai, Nguyễn Thị Huyền Trang; “Kinh doanh mặt hàng lưu niệm mang bản sắc dân tộc” của Khoàng Thị Loan, Lò Thị Huyền, Quàng Thị Thư.

Có thể nhận thấy, mỗi ý tưởng sáng tạo đều được các đoàn viên trình bày khá chi tiết, thể hiện sự đầu tư về thời gian, công sức và sự sáng tạo; đồng thời với sự hỗ trợ của các đồng chí đoàn viên giảng viên, các ý tưởng đã được hoàn thiện hơn. Ngay sau khi rà soát, tổng hợp và lựa chọn 7 ý tưởng xuất sắc, 7 đoàn viên giảng viên và 14 đoàn viên sinh viên đã cùng trao đổi, thống nhất cách làm việc, hoàn thiện đầy đủ các nội dung của ý tưởng để đạt chất lượng tốt nhất và hoàn thiện hồ sơ gửi tham gia cấp tỉnh.

Đầu tiên, ý tưởng Nuôi gà rừng của đoàn viên Hờ Thi Sua (K22MN1), tác giả xây dựng  nội dung với mục đích tăng thu nhập nhờ việc xuất bán gà rừng: gà rừng cảnh, giống gà rừng, thực phẩm; đưa thịt gà rừng thành thực phẩm phổ biến hơn với người tiêu dùng. Tác giả đã xây dựng mô hình từ khâu nghiên cứu giống gà rừng, chuẩn bị kinh phí, tiến hành mua giống gà rừng chuẩn đã được thuần hóa, nguồn thức ăn cần có, xây dựng chuồng trại, cách nhân giống, các biện pháp phòng bệnh, chữa bệnh cho gà và cách chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý gà rừng con, thời điểm xuất chuồng và giá thành bán ra thị trường.

Ý tưởng Nước tắm thảo dược cho trẻ được nhóm Lò Thị Biên, Lò Thị Tiên và Đèo Thị Chung (K22MN4), thực hiện đã cho thấy khả năng kế thừa từ những bài tắm lá truyền thống và sự sáng tạo của các bạn trong việc phát triển ý tưởng khá tốt. Mục tiêu của ý tưởng chính là đưa nước tắm thảo dược đến gần hơn với nhu cầu thiết yếu của người dùng và sẽ được các bà mẹ dần thay thế việc sửa dụng sữa tắm hóa tổng hợp.

Ý tưởng Trà hoa khô của đoàn viên Khoàng Thị Hà (K22MN5), nhằm mang đến dòng sản phẩm trà từ hoa được sấy khô nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý và tốt cho sức khỏe, ngoài ra còn có tác dụng làm đẹp cho chị em.

Ý tưởng Chế tạo máy nén khí lợi dụng sức gió, năng lượng ánh mặt trời để tưới cây do nhóm tác giả Cầm Văn Chính, Lò Văn Thái (K22TH) được kế thừa từ ý tưởng “Máy bơm nước chạy bằng sức gió” của tác giả Phạm Mã Nhi – số bằng, kí hiệu 1-0007596, công bố ngày 27/04/2009. Ngoài ưu điểm của sản phẩm, nhóm đã đánh giá được những tồn tại như cồng kềnh, phức tạp, nhiều chi tiết nên chi phí cao. Mặt khác, sáng chế này không có bộ tích điện ánh nắng mặt trời nên khi không có gió thì máy sẽ ngừng hoạt động. Vì vậy, ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp “Chế tạo máy nén khí bằng sức gió, năng lượng ánh mặt trời để tưới cây” được nhóm tác giả đề xuất để giải quyết các vấn đề nêu trên. Kết cấu máy đơn giản hơn nhằm giảm chi phí sản xuất, tiện lợi trong sử dụng; giải quyết sự thiếu hụt về nước canh tác và sinh hoạt của đồng bào miền núi nơi có địa hình phức tạp và không có điện; tại địa bàn tỉnh Điện Biên và một số tỉnh miền núi có địa hình tương đồng, thì sản phẩm máy bơm nước chạy bằng sức gió đáp ứng hiệu quả việc đưa nước lên vùng đồi núi cao để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu, đặc biệt với những nơi chưa có điện và bà con thiểu số, dân tộc H.Mông, Khơ Mú, … Đây là một ý tưởng, dự án khởi nghiệp khoa học công nghệ định hướng ứng dụng và có tính thân thiện với môi trường, nguồn nhiên liệu tự nhiên, vô tận.

Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Cà phê kí họa chân dung của đoàn viên Vàng A Bẩy (K22MT), với ý tưởng độc đáo, tạo ra sự mới lạ với mô hình kinh doanh cà phê theo phong cách Vintage kèm vẽ tranh kí họa tặng khách hàng. Trong mô hình kinh doanh này, tác giả đã mô tả chi tiết các hoạt động dự kiến từ việc nghiên cứu thị trường, đến chọn mặt bằng, xây dựng quán, các thủ tục kinh doanh, và các hoạt động kinh doanh. Mô hình cà phê kí họa chân dung cũng được tác giả quảng bá trên các kênh truyền thông như Instagram, Now, Foody, fanpage…

Ý tưởng Món ăn dân tộc Thái – tinh hoa ẩm thực Điện Biên được nhóm tác giả Trương Thị Toán, Lò Thị Mai, Nguyễn Thị Huyền Trang (K23MN2) thể hiện với mục đích góp phần truyền bá và giữ gìn ẩm thực dân tộc thái Điện Biên đồng thời giải quyết vấn đề kinh tế của bản thân, gia đình và góp phần tiêu thụ nông sản cho bà con dân tộc. Các món ăn dân tộc như cơm lam, canh rêu, cá pỉng tộp, thịt băm gói lá nướng, canh trâu nấu lá vón vén, canh bon nấu thịt trâu, xôi ngũ sắc, chẳm chéo, nộm rau được nhóm tác giả giới thiệu một cách chi tiết cũng như cách thức xây dựng ý tưởng và dự kiến hiện thực hóa.

Ý tưởng Kinh doanh mặt hàng lưu niệm mang bản sắc dân tộc của nhóm tác giả Khoàng Thị Loan, Lò Thị Huyền, Quàng Thị Thư (K23MN2), chính là một dự án nhằm phát triển du lịch địa phương. Sản phẩm lưu niệm là phương tiện để quảng cáo cho địa phương, một trung tâm du lịch, một vùng du lịch hay một quốc gia. Thông qua sản phẩm lưu niệm, du khách sẽ được gợi nhớ về một địa danh, một dân tộc. Điện Biên có nhiều sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch nhưng những sản phẩm lưu niệm đặc trưng đại diện cho văn hóa các dân tộc sinh sống trong địa bàn tỉnh thì còn hạn chế. Để ý tưởng được đưa vào hiện thực hóa, nhóm tác giả đã đề xuất một số giải pháp như: thành lập các làng nghề chuyên sản xuất các sản phẩm lưu niệm mang nét đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc do một người có tay nghề cao đứng đầu. Tổ chức thu mua và tiếp thị đến các khu du lịch. Liên hệ với cơ quan quản lý khu di tích, các điểm du lịch địa điểm giới thiệu cho du khách về sản phẩm lưu niệm. Để sản phẩm được đông đảo du khách biết đến cần được giới thiệu và quảng cáo trên các trang mạng xã hội như facebook, youtube, zalo,….. Niêm yết giá cả và hình ảnh sản phẩm kèm theo.

Việc tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên tỉnh Điện Biên” năm 2021 đã góp phần đẩy mạnh phong trào tuổi trẻ sáng tạo trong sinh viên toàn trường, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập và năng lực nghiên cứu cho sinh viên, tạo nền tảng cho việc ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn kinh tế, xã hội sinh động. Qua cuộc thi nhằm phát hiện, bồi dưỡng các sinh viên tài năng có ý tưởng kinh doanh sáng tạo, làm nòng cốt cho phong trào học tập – nghiên cứu khoa học trong toàn trường, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển quê hương, đất nước.

Người viết bài: Nguyễn Thị Phương Thúy

BÌNH LUẬN