Vì cha là bộ đội

0
1647

Nguyễn Thị Hồng Thuý

Giảng viên khoa Tiểu học Mầm non

“Em đi xe có say không?

 Không, anh ạ!

 Con gái của bộ đội có khác”

Hai mươi năm trước, đã có người nói với con là con gái của bộ đội, nhưng khi đó con chẳng hề để tâm. Rồi con làm mẹ, con mới thực sự cảm nhận hết tình yêu của cha mẹ dành cho con. Con mong muốn con mình cũng biết yêu thương, cũng có trách nhiệm và cũng sống trung thực. Con lục lại tuổi thơ của mình, để học từ cha mẹ, bằng cách tự đặt câu hỏi cho bản thân.

Tại sao con lại yêu Điện Biên đến vậy? Ngày đó, cha rất nghiêm khắc với chúng con, nhưng vào mỗi dịp 2-9 cha đều cho chúng con mỗi đứa 500 đồng để đi chơi Tết độc lập, và chỉ duy nhất ngày này trong năm chúng con được cha cho tiền đi chơi. Chúng con đi bộ 3 cây số đến hầm Đờ Cát rồi qua cầu Mường Thanh sang Bảo tàng, leo đồi A1, và đến sân Vận động để được ăn bánh quế với kem mút, cuối cùng quay về cầu Mường Thanh trở về nhà. Để rồi đến bây giờ có ai gọi cầu Mường Thanh là cầu sắt, cầu gỗ con rất buồn.

Khi chúng con lớn hơn, đã biết đi xe đạp, mỗi dịp Tết Nguyên Đán, đạp xe theo cha trên con đường bám theo kênh thuỷ nông để đến nghĩa trang Tông Khao thắp hương cho đồng đội của cha. Cha đã nói cùng với giọt nước mắt lăn dài trên má trước làn khói hương “Cha đã may mắn hơn các chú, các bác, cha lành lặn trở về với quê hương và có các con”. Tình yêu Điện Biên trong con được nảy mầm và lớn lên như thế.

Vào một ngày, cha phát hiện chúng con nhặt được chiếc bút bi đỏ nhưng không muốn trả lại. Lúc đó đối với bọn trẻ con, có được chiếc bút bi đỏ sung sướng lắm. Bữa cơm chiều hôm đó rất dài và câu nói của cha “được một, mất mười” đã ngấm vào chúng con. Để rồi những gì con thích, con muốn, con phải làm ra bằng công sức và trí tuệ của bản thân. Bài học về lòng trung thực chúng con nhớ mãi.

Con lên sáu, ngồi nhìn cha giặt quần áo, con gái muốn giặt cùng, cha không đồng ý với lời giải thích yêu thương “tay con còn non lắm chưa giặt được đâu”. Con muốn có tóc xoăn, cha vùi ngược chiếc thìa sắt trong than hồng cho đủ độ nóng rồi uốn tóc cho con. Đến bây giờ, con gái cha vẫn muốn được ngắm nhìn những người cha yêu thương và chăm sóc những đứa con của họ.

Nhưng có một điều mà gần 13 năm xa cha, con chưa giải thích được. Những lần cùng cha lao động ngoài trời, cơn mưa rào ập xuống, cha vẫn làm, con nhìn cha làm cũng không dám vào nhà tránh mưa. Con chỉ mong cha nói “Con gái vào nhà đi, ngớt mưa ta làm tiếp”. Cha đã không bao giờ nói. Cha và con vẫn làm dưới mưa. Tại sao vậy cha? Tại sao vậy cha? Con không thể hiểu. Cha rất yêu thương con gái, sao vẫn để con dầm mưa?

Và tình cờ con xem bộ phim tài liệu về Quân đội Việt Nam – Sự sống trong bon đạn. Những người lính, dầm mình trong mưa gió, bùn lầy, bom đạn để có con đường kéo pháo lên chiến dịch. Con bừng tỉnh và tự trả lời câu hỏi cho mình, “Vì cha là bộ đội”. Cảm ơn cha bộ đội của con.

BÌNH LUẬN