XÂY DỰNG VĂN HOÁ NHÀ TRƯỜNG MẦM NON THEO MÔ HÌNH “TỔ CHỨC BIẾT HỌC HỎI”

0
1659

Trong bối cảnh giáo dục đang có những đổi mới mạnh mẽ thì việc xây dựng nhà trường mầm non thành tổ chức biết học hỏi (organization learning) có ý nghĩa lớn về mặt lí luận và thực tiễn. Mặt khác, xây dựng văn hóa nhà trường theo mô hình tổ chức biết học hỏi sẽ góp phần tạo nên những chuyển biến quan trọng trong môi trường nhà trường nhằm thực hiện đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện giáo dục.

“Tổ chức biết học hỏi” là gì?

Tổ chức biết học hỏi được xem như một mô hình triết lí về hoạt động tổ chức, trong đó mọi thành viên lôi cuốn vào việc tìm kiếm, phát hiện và giải quyết vấn đề làm cho tổ chức có khả năng thực nghiệm cách làm mới để biến đổi cải tiến và phát triển liên tục nhằm đẩy nhanh khả năng tăng trưởng của tổ chức có thể đạt được mục tiêu của mình một cách tốt đẹp nhất.

Đặc điểm của “tổ chức biết học hỏi”

Theo Senge, một tổ chức được xem là tổ chức biết học hỏi phải tuân thủ 05 đặc điểm sau đây:

– Tư duy hệ thống (System Thinking): Mỗi thành viên trong tổ chức phải hiểu biết một cách tổng quát, toàn diện về tổ chức đó, hiểu được công việc của bản thân mình cũng như của bộ phận công tác của mình. Điều đó cho phép mỗi cá nhân hoạt động theo những phương hướng hỗ trợ cho sự phát triển, cho công việc của toàn tổ chức

– Quan điểm/Tầm nhìn chia sẻ (Shared Vision): Tổ chức phải xây dựng, hình thành được mục đích chung, sự cam kết chung cũng như một kế hoạch tổng thể mà mọi thành viên đều thỏa thuận, đồng ý. Các hoạt động phải minh bạch, công khai.

– Mô hình tinh thần có tính thách thức (Challenging Mental Models): Trong tổ chức phải luôn luôn đặt vấn đề về cách thức tư duy cũng như phát hiện ra những định kiến lâu đời ngăn cản các thành viên chấp nhận những hành vi mới, cách làm mới. Con người ta thường bị “kẹt” trong những cấu hình tư duy cũ mà không nhận thức được điều đó.

– Học hỏi có tính đồng đội (Team Learning): Mỗi thành viên làm việc hăng hái để giúp cho nhóm, đội thành đạt và làm việc một cách tập thể để đạt được tầm nhìn chung, mục tiêu chung chứ không chỉ theo đuổi những mục đích cá nhân.

– Làm chủ bản thân (Personal Mastery): Mỗi thành viên phải hiểu biết một cách sâu sắc về công việc, con người và các quá trình diễn ra. Họ phải gắn bó thân thiết với công việc của mình chứ không thờ ơ, làm cho xong việc.

Trong xã hội tri thức hiện nay, không chỉ các công ty, tổ chức mà cả các nhà trường muốn phát triển và đứng vững trong môi trường cạnh tranh đầy biến động thì chúng ta cần phải xây dựng các tổ chức trở thành tổ chức biết học hỏi.

Mô hình “tổ chức biết học hỏi” trong nhà trường

Để xây dựng nhà trường thành tổ chức biết học hỏi thì cần thực hiện những biện pháp sau:

Một là, xây dựng bầu không khí văn hoá

Môi trường làm việc văn hóa là yếu tố quyết định những thành công của nhà trường, kích thích cán bộ, GV, nhân viên, HS tham gia nhiệt tình vào công việc chung. Xây dựng môi trường văn hóa chính là xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, từ đó tạo bầu không khí cởi mở, giúp cán bộ, GV, nhân viên, HS hứng khởi và nâng cao hiệu quả dạy và học. Trường học là nơi làm việc, học tập của nhiều người có tính cách khác nhau, nên cần tạo sự hòa đồng; giữ hòa khí, làm việc học tập hăng say, nhiệt tình, xây dựng tinh thần đoàn kết trong nhà trường.

Hai là, xây dựng văn hóa dạy và học

Văn hóa dạy và học là mối quan tâm hàng đầu của cán bộ, GV, HS và cả phụ huynh trong nhà trường, quyết định sự thành công trong các thành tích chung của nhà trường. Mỗi GV cần chủ động học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, hiểu rõ trách nhiệm của mình, tích cực tham gia vào các quyết định chung của nhà trường về dạy và học. Quyết định về việc dạy và học của nhà trường không chỉ do Hiệu trưởng và Ban giám hiệu quyết định mà còn cần phải có sự đóng góp ý kiến của tất cả cán bộ, GV trong trường. GV cần phát huy tính chủ động, tích cực học tập của HS, thông qua việc tìm hiểu những phương pháp dạy tiên tiến, dễ nắm bắt. Nâng cao chất lượng dạy và học là một nhu cầu bức thiết của xã hội ngày nay, là sự sống còn, có tác động mạnh mẽ đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển xã hội.

Ba là, tạo động lực làm việc

 Để làm được điều này cần có sự cổ vũ, động viên, công nhận sự thành công khi cán bộ, GV, nhân viên, HS có sự nỗ lực để hoàn thành công việc, luôn nâng cao tinh thần làm việc theo nhóm của GV, nhân viên, HS để kết hợp những ý tưởng hay, hợp lí hơn cho công việc chung. Nhà trường, gia đình, xã hội luôn được coi là “tam giác giáo dục” quan trọng đối với mỗi HS. Tầm quan trọng của mỗi lực lượng cũng như mối quan hệ giữa ba lực lượng này trong việc giáo dục HS là hết sức mật thiết với nhau.

Bốn là, xây dựng các mối quan hệ trong nhà trường

 Đó là các mối quan hệ giữa GV -GV, GV – cán bộ, nhân viên, GV – HS, HS – HS. Việc xây dựng các mối quan hệ hài hòa, đoàn kết, tạo nên bộ mặt của nhà trường văn hóa. Trong tập thể nhà trường cần có sự đoàn kết, gắn bó, thống nhất cao, mọi cá nhân đều thấy thoải mái; giữa GV có sự trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát huy năng lực, nâng cao kĩ năng giảng dạy; GV yêu thương, tận tâm vì HS, HS kính trọng, lễ phép với thầy cô giáo; các bạn HS giúp nhau cùng tiến bộ. Điều đó góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng văn hóa nhà trường. Mục tiêu của giáo dục là nhằm phát triển toàn diện nhân cách HS về đạo đức, thẩm mĩ, thể chất, kĩ năng nghề nghiệp… nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Mục tiêu đó có thực hiện được hay không phụ thuộc vào môi trường mà gia đình và động đồng tạo ra có lành mạnh hay không. Sự tham gia của cộng đồng vào việc xây dựng văn hóa nhà trường rất đa dạng, phong phú, bên cạnh việc tạo ra môi trường lành mạnh, thuận lợi, ảnh hưởng tốt đến giáo dục, cộng đồng còn mở rộng không gian và thời gian cho các hoạt động giáo dục của nhà trường, phá bỏ khuôn khổ giáo dục bó hẹp trong nhà trường. Do đó, muốn xây dựng văn hóa nhà trường thì cần phải xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp trong và ngoài nhà trường.

Năm là, xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp

 Đối với mỗi trường học, GV có vai trò vô cùng quan trọng: là người hưởng ứng các thay đổi trong nhà trường; xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển nhà trường; xây dựng, vun trồng và phát triển văn hóa nhà trường; tham gia huy động và sử dụng các nguồn lực của nhà trường. Do đó, cần phải có chính sách phù hợp để phát triển đội ngũ GV. Để thực hiện được việc đó, cần phải coi trọng đội ngũ cán bộ, GV trong trường, tạo cho họ động lực để hoàn thành tốt công việc, có những tiêu chí đánh giá, khen thưởng để ghi nhận sự thành công của mỗi con người. Hiệu trưởng nhà trường cần phải có phương pháp lãnh đạo, trao quyền lợi cho cán bộ, GV, đồng thời khuyến khích tính tự chịu trách nhiệm của mỗi cá nhân. Như vậy, xây dựng văn hóa nhà trường cũng chính là việc xây dựng các cơ chế, chính sách hài hòa, các cá nhân được tham gia vào công việc chung, được làm, chịu trách nhiệm về những việc mình làm và được ghi nhận thành tích.

Sáu là, xây dựng chuẩn mực văn hóa ứng xử trong nhà trường

 Đây là một việc làm cần thiết, bởi đây là cơ sở cho việc thiết kế mục tiêu giáo dục mang tính bảo tồn văn hóa dân tộc cũng như nội dung giáo dục văn hóa trong nhà trường; đảm bảo cho việc tạo dựng một môi trường giáo dục có văn hóa mà ở đó “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy và trò ra trò” và các hoạt động giáo dục có tính định hướng văn hóa. Xây dựng các chuẩn mực văn hóa giao tiếp ứng xử. Trước hết là xây dựng mối quan hệ giữa người với người, tiếp sau là mối quan hệ ứng xử của con người đối với thế giới xung quanh một cách có văn hóa. Giáo dục văn hóa nhà trường cho HS cần được đặt trong một môi trường giáo dục văn hóa với các hoạt động giáo dục có ý nghĩa, mang tính định hướng. Để đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục trong giai đoạn mới nhà trường luôn cố gắng trở thành một tổ chức biết học hỏi; đặc biệt là xây dựng tinh thần hợp tác, học hỏi, sáng tạo, phát huy năng lực của mọi cá nhân, huy động, lôi cuốn tất cả các thành viên trong tổ chức tạo nên sức mạnh tổng hợp của tập thể. Xây dựng văn hóa nhà trường cần đặt trong các hoạt động giáo dục có ý nghĩa, mang tính định hướng với hệ thống chuẩn mực văn hoá.

Tác giả: Ngô Thị Thu Hiền

BÌNH LUẬN