Cùng với sự phát triển của đất nước, thế hệ trẻ ngày nay không ngừng lớn mạnh, trưởng thành về nhiều mặt. Tuy nhiên, trước sự biến động phức tạp của thời cuộc cũng như ảnh hưởng mặt trái của kinh tế thị trường, một bộ phận giới trẻ đang dần xa rời những giá trị truyền thống của dân tộc, và từ đó sa đà, lún sâu vào những suy nghĩ, hành vi sai trái, lệch lạc.
Tiếp bước các thế hệ cha anh trước đây, thế hệ trẻ ngày nay khá tự tin, năng động, chủ động tiếp thu những cái mới, nhạy bén với thời cuộc; Đặc biệt thế hệ trẻ ngày nay rất chủ động trong việc lựa chọn, tìm kiếm nghề nghiệp để có thu nhập ổn định, góp phần làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương, đất nước. Nhận thức về lý tưởng, giá trị xã hội của giới trẻ cũng cởi mở, thiết thực, phù hợp hơn với xu thế phát triển của đất nước và thời đại. Đó là những dấu hiệu tích cực giúp thế hệ trẻ tự tin, biến những ước mơ, hoài bão, khát vọng của mình thành hiện thực.
Tuy nhiên, do những biến động phức tạp của thời đại công nghệ 4.0 và ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường, một bộ phận giới trẻ Việt Nam đang dần xa rời những giá trị truyền thống của dân tộc, không làm chủ được bản thân trước sự lôi cuốn, huyễn hoặc của lối sống sùng ngoại, lai căng. Một bộ phận giới trẻ còn có biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có lối sống chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, thực dụng…..
Sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của một bộ phận người trẻ không chỉ dừng lại ở biểu hiện thờ ơ với chính trị, không quan tâm đến những sự kiện, hoạt động của Đảng và Nhà nước, mà còn thể hiện ở thái độ lạnh nhạt với phong trào của Đoàn Thanh niên và không thiết tha tham gia các hoạt động liên quan đến giáo dục lịch sử, truyền thống dân tộc, không mặn mà với các chương trình, nội dung giáo dục chính trị.
Ngoài xa rời lý tưởng, một bộ phận giới trẻ còn có lối sống thực dụng, ích kỷ, biểu hiện rõ nét nhất là họ để “cái tôi” bản thân quá lớn, bao trùm lên “cái ta” cộng đồng; sống nhanh, sống gấp, sống chỉ vì mình mà không vì mọi người.
Đáng chú ý là những năm gần đây, sự bùng nổ của mạng xã hội đã lôi cuốn một bộ phận thanh, thiếu niên rơi vào tình trạng “nghiện phây” (facebook). Thực tế cho thấy, hội chứng “nghiện phây” đã biến một số người trẻ vốn có đầu óc minh mẫn thành những kẻ “sống ảo” mụ mị, ngày đêm “ăn phây, ngủ phây”, đi đâu cũng “phây” và “seo-phi” (selfie) rồi “câu like”…
Trong khi phần đông giới trẻ vẫn đặt niềm tin vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, nỗ lực góp sức cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, thì vẫn có một số người trẻ có tiếng nói sai trái, lệch lạc, phủ nhận con đường phát triển của đất nước. Lợi dụng internet, mạng xã hội, blog, một số trí thức trẻ đã có những bài viết, bình luận, thông tin theo kiểu chỉ nhìn cây mà không thấy rừng, chỉ thấy hiện tượng rồi nhận định, đánh giá thành bản chất, mà thực chất là thổi phồng khuyết điểm, khoét sâu những mặt trái, tiêu cực xã hội, gây bất lợi cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Tuổi trẻ là sinh khí của dân tộc, là tương lai của đất nước, là sức mạnh quan trọng của quốc gia. Có một thế hệ trẻ hùng hậu với chí hướng, hoài bão lớn, khát vọng cao cả và giàu tinh thần cống hiến, hy sinh, đó là hồng phúc của dân tộc. Vì vậy, bên cạnh việc quan tâm chăm lo thế hệ trẻ không ngừng lớn mạnh, tiến bộ về mọi mặt, cần phải có những giải pháp phù hợp để giới trẻ không bị lún sâu vào những suy nghĩ, hành vi sai trái, lệch lạc như sau:
Thứ nhất: Cần xây dựng môi trường sống, sinh hoạt, học tập, lao động của giới trẻ lành mạnh. Gia đình là tế bào của xã hội. Chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc chính là nền tảng để nuôi dưỡng, giáo dục thanh, thiếu niên thành những công dân tốt. Nhưng môi trường gia đình tốt thôi chưa đủ, mà chúng ta cần chú trọng quan tâm xây dựng nhà trường là nơi ươm mầm tài năng, bồi đắp nhân cách cho thanh, thiếu niên; xây dựng tập thể nơi người trẻ lao động, công tác thực sự trở thành nơi nâng đỡ, hoàn thiện phẩm chất đạo đức, năng lực cho họ; xây dựng cộng đồng nơi người trẻ sinh sống có không khí an cư thân thiện, văn minh; xây dựng xã hội có môi trường văn hóa tốt đẹp, phong phú để tuổi trẻ có thể “tắm mình” trong đó.
Thứ hai: Cần coi trọng giáo dục, tuyên truyền, vận động và nhất là có cách ứng xử, đối xử sao cho khéo léo, phù hợp với từng đối tượng thanh niên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Thứ ba: Đối với các tổ chức Đoàn, Hội, Đội cần tăng cường những chương trình định hướng về các giá trị nhân văn, giáo dục ý thức trách nhiệm của thanh thiếu niên đối với xã hội.
Thứ tư: Bản thân mỗi đoàn viên, thanh thiếu niên cũng phải tự trau dồi, nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho mình để phòng vệ trước thông tin xấu, độc; phân loại, chọn lọc thông tin đúng – sai; có kỹ năng phản bác lại những thông tin sai lệch.
Thứ năm: Cần phải tăng cường các hoạt động để giới trẻ nâng cao bản lĩnh trước những luồng thông tin trên mạng xã hội, khước từ những cám dỗ. Đặc biệt, cần tạo ra nhiều sân chơi thực tế hơn là môi trường ảo cho học sinh, sinh viên hiện nay./.
Người viết bài: Hà Thị Kim Tuyến