NGHỆ THUẬT TÁC CHIẾN ĐỘC ĐÁO, SÁNG TẠO CỦA ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

0
190

Nguyễn Thị Hồng Miên

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường của dân tộc Việt Nam được hun đúc qua mấy ngàn năm lịch sử. Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận quyết chiến chiến lược lớn nhất giữa ta và Pháp. Thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ là sự phát triển đỉnh cao nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bí thư Đảng ủy, kiêm Tổng Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ với nghệ thuật tác chiến độc đáo, sáng tạo. Với một “Điện Biên Phủ chấn động địa cầu” đã đưa Võ Nguyên Giáp lên hàng danh tướng được lịch sử quân sự thế giới ghi nhận. Thế giới đánh giá về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đó là: “Một vị tướng sắc sảo nhất về nghệ thuật khoét sâu chỗ yếu của địch, về tài thao lược và là bậc thầy về chiến lược, chiến thuật quân sự”.

Đỉnh cao nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là chiến dịch Điện Biên Phủ – một chiến dịch tiến công trận địa quy môn lớn nhất của quân dân ta, với một loạt trận đánh địch trong công sự kiên cố, diễn ra trong thời gian dài theo tiến trình tiến công vây hãm, đột phá lần lượt và tiêu diệt toàn bộ quân địch. Với trách nhiện của một vị tướng Tổng Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng phút, từng giờ sát sao tình hình mặt trận, đề ra và chỉ đạo các phương án tác chiến đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt, độc đáo nhằm tiêu diệt từng bộ phận địch, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch, giành thắng lợi hoàn toàn.

Nghệ thuật tác chiến độc đáo sáng tạo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ chính là sự chủ động hình thành sớm thế trận bao vây, xây dựng trận địa tiến công “vây, lấn, tấn, diệt” chia cắt thế liên hoàn tập đoàn cứ điểm của địch.

Từ đầu tháng 12/1953, thực dân Pháp tăng cường lực lượng quân đội, phương tiện chiến tranh, chiếm đóng Điện Biên Phủ, xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương với 10 trung tâm đề kháng chia thành 49 cứ điểm phòng thủ kiên cố liên hoàn, trang bị hỏa lực mạnh yểm trợ lẫn nhau; có 2 sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm để lập cầu hàng không. Đến thượng tuần tháng 3/1954, tổng số binh lực của địch lên đến 17 tiểu đoàn với 16.200 tên, phần lớn là các đơn vị tinh nhuệ. Với hệ thống công sự vững chắc, lực lượng cơ động mạnh, binh khí, kỹ thuật đầy đủ, hiện đại, Pháp- Mĩ coi Điện Biên Phủ là “Pháo đài bất khả xâm phạm”;“Cái máy nghiền khổng lồ”, “Cái bẫy để nghiền nát chủ lực Việt Minh”.

Trước âm mưu và hành động của địch, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp, thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với ý chí “Quyết chiến, quyết thắng”. Một trong những yếu tố làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là sự sáng tạo về nghệ thuật chiến dịch của Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Bí thư Đảng ủy, kiêm Tổng Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Với phương châm“Đánh chắc, tiến chắc”, Đại tướng đã chỉ huy toàn quân thực hiện “vây lấn” tập đoàn cứ điểm địch từ ngoài vào trong, lần lượt tiêu diệt từng cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch.

Ngay từ khi thực dân Pháp bắt đầu xây dựng những cứ điểm đầu tiên ở Điện Biên Phủ thì ta đã bắt đầu hình thành thế bao vây địch về chiến thuật. Ta đã chốt chặt cả hai đầu con đường độc đạo Bắc – Nam dọc cánh đồng Mường Thanh từ Bản Tấu đến Pom Lót. Đại tướng đã vận dụng sáng tạo kinh nghiệm chiến dịch Thượng Lào vào Điện Biên Phủ, đề phòng địch rút chạy sang Lào. Việc xây dựng hệ thống chiến hào hàng trăm kilômét, ngày càng ken dày và siết chặt từng phân khu, từng cụm cứ điểm đến từng cứ điểm, quân ta đã từng bước bao vây chặt và không ngừng vươn tới áp sát địch. Chính nghệ thuật xây dựng trận địa vững chắc và ngày càng tiến sâu, áp sát địch của ta đã hạn chế được chỗ mạnh của quân Pháp về máy bay, pháo binh, tạo điều kiện cho các đơn vị lớn của ta vận động tiến cận, từng bước tiêu diệt địch. Đồng thời, việc xây dựng trận địa, thắt chặt vòng vây đã tạo điều kiện cho ta phát huy tất cả hoả lực tiêu diệt địch, cho pháo cao xạ và pháo mặt đất phát huy hoả lực thuận lợi khống chế sân bay, không phận, hạn chế đi đến triệt đường tiếp tế tăng viện của địch. Sau đợt tấn công thứ hai của chiến dịch, hệ thống trận địa tiến công, bao vây của ta đã ngày càng “trói chặt địch lại” để lần lượt tiêu diệt từng bộ phận của chúng và tiến hành tổng công kích tiêu diệt hoàn toàn quân địch vào chiều ngày 07/5/1954.

Tăng cường tập trung cao nhất binh lực, hoả lực thực hiện phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu nhất và tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Với sự kiên cố của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, việc tiến công tiêu diệt địch là một thách thức vô cùng khó khăn đối với ta. Các cứ điểm của địch tập trung phần lớn ở phía Bắc cánh đồng Mường Thanh, trên diện tích rộng khoảng 40 km². Phân khu Trung tâm mà hạt nhân là nơi đặt sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm được bảo vệ vững chắc bằng những cụm cứ điểm ngoại vi trên các điểm cao từ Tây Bắc sang Đông Bắc và Đông tạo thành một hệ thống phòng thủ kiên cố, liên hoàn.

Để tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chọn phương châm “Đánh chắc, tiến chắc”, tập trung ưu thế về binh lực, hoả lực đánh từng trận hay một số trận gối đầu liên tiếp, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, trước hết là trên các cao điểm khống chế phía Bắc, phía Đông; đánh “bóc vỏ” từ ngoài vào, mở đường tiến xuống cánh đồng Mường Thanh, thực hiện “vây lẫn” ngày càng sâu, càng mạnh tập đoàn cứ điểm và cuối cùng dứt điểm bằng cuộc tổng công kích, đánh vào chỗ trọng yếu nhất của địch là Phân khu trung tâm với trọng điểm là sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm.

 Chiến dịch Điện Biên Phủ với phương châm“Đánh chắc, tiến chắc”, đánh dài ngày theo kiểu “bóc vỏ” từng cứ điểm đối phương chính là sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong một chiến dịch tiến công trận địa quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp. Với chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt” sáng tạo, linh hoạt đã giúp chủ lực ta từng bước tiếp cận địch, từng bước uy hiếp, phá vỡ từng mảng phòng ngự của chúng, đập tan sự chống giữ của địch, tiêu diệt từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt bộ phận quan trọng nhất và toàn bộ quân địch, giành thắng lợi hoàn toàn.

Phát huy uy lực, hoả lực của ta, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch làm tiêu hao sinh lực địch, chuyển thế mạnh của địch thành yếu, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Sau đợt tiến công thứ hai của ta, lực lượng của địch tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vẫn còn trên một vạn quân, trấn giữ ở hơn 30 vị trí trên cánh đồng Mường Thanh. Và sau khi được tăng viện thêm binh lực, vũ khí, địch ra sức củng cố trận địa hòng bảo vệ khu vực phòng ngự then chốt trên dãy cao điểm phía Đông; phi cơ, pháo binh của chúng vẫn hoạt động ráo riết, hoả lực của chúng vẫn còn mạnh.

Vấn đề cấp thiết đặt ra đối với ta là tiếp tục đánh địch bằng cách nào để vừa hạn chế thương vong của ta, vừa khoét sâu chỗ yếu của địch. Với sự sát sao trận địa từng phút giây, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã đề ra chủ trương dùng lực lượng nhỏ, hoạt động rộng rãi với hình thức “đánh lấn”, phá huỷ từng ụ đề kháng, tiêu diệt từng vị trí của địch, bắn tỉa tiêu hao địch rộng rãi, làm hao mòn sinh lực địch, uy hiếp tinh thần địch; đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp không phận, cắt đứt đường tiếp tế và tăng viện của địch. Bằng chiến thuật “không ngừng tiến công, đánh lấn, bao vây”, ngày càng áp sát địch, hạn chế uy lực máy bay và pháo binh của chúng. Với cách đánh hiểm này ta đã làm cho quân địch còn đông mà hoá ít, trang bị còn mạnh mà hoá yếu, tinh thần, vật chất và thế trận đã hoàn toàn bất lợi. Chính cách đánh sáng tạo này đã làm tăng thêm uy thế của ta trên chiến trường. Chính vì vậy, đến cuối tháng 4, mặc dù quân ta chưa hoàn toàn làm chủ dãy cao điểm phía Đông, nhưng đã uy hiếp mạnh Phân khu Trung tâm và chuẩn bị đầy đủ điều kiện “chắc thắng” để chuyển sang đợt tiến công cuối cùng giành toàn thắng.

Đỉnh cao và đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch Điện Biên Phủ là xác định đúng thời cơ, đánh đòn quyết định cuối cùng trong đợt tiến công thứ ba. Trước những dấu hiệu rối loạn của địch, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo thay đổi kế hoạch, kịp thời ra lệnh tổng công kích vào Trung tâm Tập đoàn cứ điểm ngay chiều ngày 07/5/1954 mà không chờ đến tối như kế hoạch đã đề ra. Các đại đoàn của ta từ các hướng nhất loạt đánh thẳng vào sở chỉ huy địch. Mặc dù quân địch còn khoảng một vạn tên với đầy đủ vũ khí, nhưng tinh thần chiến đấu hoàn toàn tan rã, không còn sức chiến đấu. Quân ta tiến đến đâu địch dương cờ trắng đầu hàng đến đó. Đến 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, tướng Đờcát và toàn bộ tham mưu địch đầu hàng, ta giành thắng lợi hoàn toàn.

Như vậy, nghệ thuật chiến dịch chính là yếu tố vô cùng quan trọng làm nên thắng lợi oanh liệt của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đúng như Đại tướng Võ Nguyên giáp khẳng định: “Chiến lược đúng cũng chưa đủ, phải có nghệ thuật chiến dịch đúng và phương pháp chiến thuật đúng mới bảo đảm giành được thắng lợi trong chiến tranh”. Nghệ thuật Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự phát triển đỉnh cao của nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là sự kết tinh của trí tuệ Việt Nam, ý chí quật cường, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm với sự chỉ huy tài tình, độc đáo, sáng tạo của Đại tướng anh tài Võ Nguyên Giáp.

BÌNH LUẬN