GIÁ TRỊ CỦA VIỆC ĐỌC SÁCH

0
1077

Sách có lẽ là một trong những phát minh quan trọng và vĩ đại nhất của con người. Mỗi cuốn sách là kết tinh từ tri thức và cuộc sống, đọc sách không chỉ là một sở thích mà còn là con đường ngắn nhất để tiếp cận với nền văn minh của nhân loại.

Mahatma Gandhi, một lãnh tụ của nhân dân Ấn Độ từng nói “Không cần đốt sách để phá huỷ một nền văn hoá, chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi”. Câu nói đã khẳng định, để giữ gìn và phát triển một nền văn hoá của bất cứ dân tộc nào thì không thể không đọc sách.

Sách sẽ giúp ta nhận ra giá trị của những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, những chuẩn mực đạo đức làm người, có cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống, biết yêu thương và thấu hiểu người khác, biết chia sẻ khó khăn với người khác, biết lên án cái xấu. những thói quen, hành vi trái đạo đức, hình thành lối suy nghĩ tích cực hơn, luôn hướng tới những giá trị tốt đẹp, lợi ích của bản thân trong quan hệ với lợi ích của những người xung quanh. Cũng chính từ những cuốn sách như “Không gia đình”, “Những người khốn khổ” … của văn học Pháp đã nuôi dưỡng ý chí ra đi tìm đường cứu nước của cậu học trò Nguyễn Tất Thành và Người đã trở thành anh hùng giải phóng dân tộc, vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước ta.

Hay đọc tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng viết về thời niên thiếu của Bác Hồ đến khi Bác ra đi tìm đường cứu nước, chúng ta nhận thấy tình yêu quê hương, đất nước của cậu bé Côn được gieo trồng và vun đắp từ những câu ca, câu Kiều, câu hát của bà, của mẹ, của ông Sẩm; từ những bài học về lịch sử dân tộc của người cha – người thầy Nguyễn Sinh Sắc. Hơn nữa, chúng ta hiểu sự hi sinh thầm lặng của người cha – Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, không thể cầm được nước mắt khi đọc đến đoạn “người cha ra vốn cho con, để góp vào lộ phí cho con đi tìm đường cứu nước”. Hiểu Bác, hiểu sự hi sinh của cả gia đình Bác bao nhiêu, ta càng yêu thương Bác bấy nhiều. Và sự yêu thương Bác giúp ta sống có lí tưởng, sống có ích hơn cho cuộc đời này. Như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ “Bác ơi”: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn”.

Ai cũng biết sách chứa đựng rất nhiều kiến ​​thức trong cuộc sống, giúp chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn, trưởng thành hơn và tích lũy vốn từ vựng phong phú. Vậy tại sao chúng ta không thể duy trì thói quen đọc sách hàng ngày hoặc bất cứ khi nào có thể như một cách tận hưởng cuộc sống, nó giống như một trải nghiệm phong phú đủ mọi cung bậc trên từng trang sách.

Chúng ta, những người sinh ra và lớn lên trong hoà bình, được hưởng một cuộc sống ấm no. Để cảm nhận được những hy sinh, cống hiến của người đi trước, để thấy mình may mắn được sống trong hoà bình thực sự cần đọc sách để bản thân trân trọng, biết ơn và yêu thương những con người giành cả cuộc đời đấu tranh vì hoà bình của dân tộc, của thế giới.

Tủ sách tinh hoa của Trại 7 (K24MN&, K25MN7, K26MN5), Hội trại thanh niên chào mừng 60 năm thành lập trường CĐSP Điện Biên

Nhưng, sách cũng như bạn, chúng ta chọn bạn tốt mà chơi thì chúng ta cũng cần chọn sách tinh hoa mà đọc. Mỗi người nên đọc sách về các chủ đề sau:

* Sách về cuộc đời vĩ nhân, anh hùng

* Sách về thiên nhiên, loài vật

* Sách về lích sử nhân loại

* Sách về khoa học, kĩ thuật, công nghệ

* Sách về sức khoẻ, rèn luyện

* Sách về tình yêu, hôn nhân, gia đình

* Sách về nuôi, dạy, rèn con

* Sách phát triển bản thân

* Sách phát triển nghề nghiệp

* Sách tâm lí, nhân sự, đội nhóm

* Sách về đạo đức, rèn nhân cách, tâm hồn

* Sách về đạo lí, minh triết, tìm cầu chân lí

Ngày nay, với công nghệ 4.0, tìm kiếm sách dễ dàng hơn nhiều. Hình thức đọc sách cũng phong phú hơn. Ngoài cách đọc sách giấy truyền thống, chúng ta có thể nghe sách nói trên một số kênh như: Youtube, Fonos, Voiz FM,… hoặc chúng ta cũng dễ dàng ghi lại những cuốn sách hay vào thẻ nhớ để nghe bất kì lúc nào kể cả offline. Bên cạnh đó, còn có nhiều kênh review sách để bạn đọc tìm hiểu tóm tắt cuốn sách trước khi nghe/đọc chi tiết.

Chúc bạn đọc luôn tìm thấy niềm vui bên từng trang sách!

Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Thuý

BÌNH LUẬN