Một số giải pháp thúc đẩy sự nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện của sinh viên trường CĐSP Điện Biên

0
1978

Sinh viên là lực lượng trẻ tuổi, có “sức trẻ” là sức khỏe, sự nhiệt huyết và trí tuệ; là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng CNXH. Tại Đại hội lần thứ V Hội sinh viên Việt Nam (năm 1993), Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: “Sự nghiệp đổi mới đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội có thành công hay không, đất nước ta bước vào thế kỷ XXI có vị trí xứng đáng trong cộng đồng thế giới hay không, chủ yếu là do thế hệ thanh niên hiện nay quyết định, trong đó sinh viên là bộ phận có vai trò hết sức quan trọng”(1).

Là sinh viên sư phạm để trở thành người có chuyên môn, có phẩm chất, lối sống trong sáng, đúng mực, tư cách đạo đức nghề nghiệp, có lý tưởng chính trị, thì sinh viên cần phải nhận thức rõ nhiệm vụ, vai trò của mình khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bản thân sinh viên phải nỗ lực học tập tích lũy, phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn kiến thức khoa học cơ bản, phải biết vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức đó vào giải quyết vấn đề trong học tập và trong cuộc sống. Phải tự giác tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi bản thân phấn đấu trở thành những người giáo viên vừa hồng vừa chuyên phục vụ cho giáo dục nước nhà.

Hiện nay, bên cạnh đội ngũ sinh viên của trường CĐSP Điện Biên vẫn đang miệt mài học tập, rèn luyện, có hoài bão, lý tưởng lập thân, lập nghiệp, vì sự phát triển của bản thân và của xã hội. Các hoạt động do nhà trường tổ chức cũng đã thu hút được số lượng lớn sinh viên tham gia, song vẫn còn một số sinh viên của nhà trường chưa nhiệt tình tham gia các hoạt động tình nguyện, các hoạt động vì cộng đồng. Bên cạnh đó, một số ít sinh viên còn thờ ơ về chính trị, sống thiếu lý tưởng, dễ bị ảnh hưởng của những trào lưu không phù hợp với thuần phong mỹ tục, không lành mạnh. Có những sinh viên tham gia hoạt động tình nguyện, hoạt động cộng đồng nhưng chưa xuất phát từ động cơ mong muốn giúp đỡ người khác, mà là do những nhân tố bên ngoài tác động hoặc từ những lợi ích của bản thân. Có những sinh viên khi tham gia các hoạt động vẫn chưa đặt lợi ích của tập thể, của cộng đồng lên trên lợi ích của cá nhân, vẫn còn có hiện tượng so bì, tị nạnh khi được phân công nhiệm vụ. Bên cạnh đó chưa chú trọng học tập và rèn luyện một cách nghiêm túc có ý thức của một sinh viên sư phạm.

Vì vậy, để thúc đẩy sự nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện của sinh viên trường CĐSP Điện Biên cần chú ý một số giải pháp sau:

Trước hết, tăng cường và chú trọng giáo dục đạo đức, tư tưởng, lối sống nhằm nâng cao nhận thức cho sinh viên về mục tiêu, lý tưởng nghề nghiệp thông qua các môn học trên lớp, hoạt động giao lưu chia sẻ kinh nghiệm học tập, tham quan, thực tập tại các cơ sở giáo dục, các cuộc thi tìm hiểu về nghề, thành lập các câu lạc bộ phát triển khả năng để sinh viên được tham gia…giúp sinh viên xác định kế hoạch học tập, rèn luyện bản thân trong quá trình học tập tại trường.  Mỗi sinh viên cần cố gắng phấn đấu học tập để nâng cao trình độ nhận thức, không ngừng rèn luyện tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống của bản thân, tích cực chủ động trong mọi hoạt động của trường.

Tăng cường sự thu hút sinh viên vào các hoạt động tình nguyện, hoạt động vì cộng đồng. Đoàn trường CĐSP Điện Biên tổ chức rất nhiều các hoạt động tình nguyện để sinh viên có cơ hội được trải nghiệm: Hiến máu tình nguyện, chiến dịch mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, đông ấm cho em, kể chuyện hành trình, thắp nến tri ân ngày thương binh liệt sĩ 27/7, xuân biên giới… qua các hoạt động tình nguyện sinh viên được thể hiện những năng lực của mình, được trải nghiệm, học hỏi và tích lũy được kinh nghiệm cho bản thân, tạo cơ hội cho các em được rèn luyện bản thân để trưởng thành hơn trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống sau này.

Thực hiện tốt hơn nữa công tác nêu gương, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến sinh viên những tấm gương có ý thức tích cực tự rèn luyện, tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Để thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức làm gương cho cho sinh viên thì trước hết các thầy cô giáo là những tấm gương mẫu mực trong việc rèn luyện đạo đức nhân cách nhà giáo, tất cả vì sinh viên thân yêu, vì cộng đồng, vì xã hội, không tư lợi cá nhân. Bên cạnh đó, còn rất nhiều những tấm gương sáng trong xã hội để các em học tập, noi theo. Cần có những biện pháp khuyến khích, động viên khích lệ, những tấm gương người tốt, việc tốt có ý thức rèn luyện vươn lên trong học tập cũng như trong các hoạt động vì cộng đồng.

Phát huy ý thức tự học, tự giáo dục, tự rèn luyện của sinh viên. Tư học, tự giáo dục, tự rèn luyện bản thân là quá trình sinh viên tự hoàn thiện, thích nghi với môi trường và điều kiện sống. Sinh viên phải có ý thức tự giác cao, có ý chí, nghị lực phấn đấu vươn lên trong học tập, cũng như trong cuộc sống. Có ý thức nhìn nhận ưu nhược điểm của bản thân; biết vận dụng những tri thức đã được học từ gia đình, nhà trường, xã hội thành sự hiểu biết của bản thân để nhìn nhận mọi vấn đề được chính xác và đúng đắn hơn. Đối với mình, các em cần rèn luyện thái độ nghiêm khắc với chính bản thân, không nên tự mãn với những gì mình đã đạt được mà cần phải rèn luyện điều tốt thành thói quen, có thái độ tự tin để có nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Với thầy cô, bạn bè, mọi người trong xã hội, sinh viên cần có thái độ, hành vi ứng xử đúng mực, thể hiện sự tôn trọng, có lòng nhân ái, biết quan tâm và giúp đỡ người khác. Phải rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại, trung thực học tập, say mê, sáng tạo trong nghiên cứu khoa học; không ngừng trau dồi đạo đức, tác phong, thực hành lối sống văn minh, có văn hóa phù hợp với những chuẩn mực đạo đức của một người sinh viên và của xã hội.

Như vậy, việc thúc đẩy sự nỗ lực vươn lên trong học tập của sinh viên trường CĐSP Điện Biên là một vấn đề hết cần thiết, tạo môi trường và cơ hội để sinh viên được học tập và rèn luyện đáp ứng được những yêu cầu của ngành cũng như của xã hội. Nhưng quan trọng hơn hết là bản thân mỗi sinh viên cần tự giác, tích cực chủ động nỗ lực học tập, rèn luyện bản thân ngay khi còn học tập tại trường. Việc học tập, rèn luyện là một quá trình thường xuyên và liên tục vì vậy bản thân mỗi sinh viên cần xác định mục tiêu, hình thành động cơ phấn đấu đúng đắn để hoàn thiện phẩm chất nhân cách, nâng cao trình độ nhận thức, rèn luyện phẩm chất để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

(1) Đỗ Mười: Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.117

Người viết bài: Đào Thị Bách

BÌNH LUẬN